Quê hương tuổi thơ của tôi

tuổi thơ, quê hương tuổi thơ, ký ức tuổi thơ

Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ. Và chắc chắn là dù thế nào thì sau này khi nghĩ về, nó điều là cái gì đó tốt đẹp và thiêng liêng.

Dù bạn lớn lên ở thành phố hay lớn lên ở vùng quê, chắc hẳn đều có một tuổi thơ đáng kể về nó. Nó có thể là những ngày rong ruổi ngoài đồng, là những ngày trốn học đi chơi, là những ngày hè tham gia các trò chơi của tuổi thơ.

Với tôi, tuổi thơ là cái gì đó đến tận bây giờ vẫn khắc sâu vào tâm trí mình. Không biết có phải vì lớn lên ở nông thôn nên có nhiều “trò” để phá hơn so với các bạn ở thành phố hay không. Nhưng cũng đáng tiếc, những kỷ niệm, những dấu xưa đó bây giờ đã tan biến trong cuộc sống đời thường. Tuổi thơ bây giờ ở quê đã khác hẳn, không còn những cảnh bắt cá ngoài ruộng, đá banh ở sân bùn… cũng chả thấy đâu nữa những trò chơi dân dã như bắn bi, bắn thun, chơi bông vụ…

tuổi thơ, quê hương tuổi thơ, ký ức tuổi thơ

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê khá nghèo, gia đình cũng chả gọi gì là khá giả. Nhưng cơm thì cũng đủ ngày ba bữa như bây giờ. Nhớ những năm tháng còn nhỏ, nghĩ lại mình chả khác gì con “Gà”, ăn cơm xong là chạy đi chơi, len lủi từ xóm này qua xóm khác, từ làng này qua làng khác, chơi xong cứ đúng giờ trưa lại về ăn cơm. Cơm trưa xong lại tiếp tục đi chơi, chiều lại về ăn cơm….

Hồi nhỏ chả hiểu sao ở quê lắm trò để chơi thế, mùa nào thì có trò đó. Thích nhất vẫn là những ngày hè, những ngày chả phải đi học, mà nghỉ học thì ai cũng thích. Sau này lớn lên mới biết hóa ra thầy cô cũng thích nghỉ dạy chứ không riêng gì học sinh. Hè thì vô số trò để chơi, mình có thể chơi từ sáng đến tối, không biết mệt là gì. Mà không như trẻ con bây giờ, hè lắm lúc cũng chả được chơi nhiều. Tuổi thơ mình, hè là nghỉ học, chỉ chơi và chơi. miễn làm xong mấy việc của nhà và đi chơi thì nhớ giờ mà về ăn cơm là được

Trước lúc gần nghĩ hè thì trò chơi xếp giấy lên ngôi, những tờ giấy học được xé ra rồi gấp lại thành hình tam giác. Mà mặc định nó là tài sản để trao đổi, tổ chức các trò chơi để đặt cược bằng những vật này. Bây giờ nghĩ lại thì thấy hồi đó ở quê đã thông minh lắm rồi, biết quy định vật ngang giá để trao đổi. Mặc dù hết mùa chơi thì giấy đó cũng chỉ để nhóm lửa 🙂

Đầu hè thì chơi dây thun, nằm ngủ cũng mơ tới dây thun. Nào là đánh bài ăn dây thun, bắn thun, đôi ô…nói chung là đủ trò. Chắc máu cờ bạc được hình thành từ lúc này, nên bây giờ vẫn thích đánh bài :). Nhớ hồi đó đi đâu cũng quấn theo một dây tít thun bên mình, càng dài, càng to thì càng oai, cho bọn kia thấy ta đây rất giàu vì có nhiều dây thun nhất. Mùa chơi dây thun hết thì cũng chả biết dây thun đó để làm gì vì thường cũng không cất lại cho sang năm được. Nhưng có một khoảng trống trong đầu mình cho tơi bây giờ là vẫn không hiểu: trò chơi bắt đầu và kết thúc như thế nào. Ví như đang chơi thun thì tự nhiên đùng cái là không chơi nữa chuyển sáng chơi bắn bi. Mà việc kết thúc và bắt đầu này chẳng có một quy định rõ ràng nào cả 🙂

Bắn bi thì bây giờ vẫn còn thấy một vài bạn nhỏ chơi. Nhưng cũng chỉ đơn giản mua bi về để trên nên gạch men chơi chứ không như thời mình. Tuổi thơ mình hầu như không thấy sân bê tông, không biết gạch mẹn là gì…Nên chơi bị thì phải lăn lộn trên sân đất, mà sân đất ở quê mình chỉ có 2 loại đất bột và đất bùn. Ngày nắng thì sân là sân đất bột, mưa xuống thì nó hóa bùn. Ngày nắng thì áo quần, mặt mũi toàn là đất bột, những vẫn đỡ hơn nhiều so với ngày mưa; mặt lấm lem bùn, áo quần thì không cần phải miêu tả. Nhưng có là gì thì cũng không ngăn nổi lũ “gà” này, vẫn chơi như chả có gì xảy ra. Có bẩn quá thì trốn âm thầm về nhà, bẩn nữa thì nhảy sông tắm rồi hẳn về.

Hết mùa bi thì chuyển qua chơi nắp chai, cũng lại một hình thức biến tướng của cờ bạc đây mà. Tìm mọi trò để ăn thua cho bằng được mấy cái nắp chai. Nào là đánh bài, nào là tán nắp chai…Để rồi đống tài sản đó về sau cũng không biết để làm gì. Mà cũng rất thú vị là không ai cất lại cho sang năm chơi và số tài sản này đi đâu mình cũng không hình dung ra.

Xen kẽ với các trò chơi đó là các trò chơi tập thể: nào là bịt mắt bắt dê, năm mười, nhảy dây,  nào là tán lon, nào là ô ăn quan…Và với mình thì bắt cá là việc có thể nói là cuốn hút mình nhất

Cứ có cơ hội là đi bắt cá, lặn sông, tát ao, tát ruộng… mình đều giỏi. Miễn sao có cá là lòng vui khôn kể. Hồi đó cứ thấy cái kênh nào nhỏ nhỏ vừa sức là cả đám rủ nhau tát hết nước để bắt cá, thật ra môn tát nước để bắt cá thì mình không có giỏi lắm. Chỉ mê nên cỡ nào cũng đi. Nhiều lúc lặn lội cả ngày, người thì chỉ có một màu duy nhất là màu của bùn, từ trên xuống dưới nhưng chả bắt được con cá nào. Về nhà thì trốn lui trốn lủi, bị la bị đánh là chuyện rất bình thường. Nhưng ngày mai lại đâu vào đo, vẫn một niềm đam mê cho tận bây giờ

Mùa mưa lụt miền trung thì hầu như chả có trò gì để chơi, riêng mình thì vì mê bắt cá và bắt chim. Nên bọn bạn thì chỉ lui lủi ở nhà chơi, học bài…Mình thì lại lội bộ, khi thì bơi ghe ra đồng. Mà mưa lũ thì đồng nghĩa với cá nhiều, thế là toàn trốn học đi bắt cá. Từ tát kênh bắt cá, câu cá, nơm cá, cất vó, thả lưới… không trò nào là mình không sành

Đặc biệt là đầu mùa mưa, cá muốn vào ruộng đẻ trứng nên nhiều vô kể. Cứ có tín hiệu lụt cái là mình lại chuẩn bị đồ nghề bắt cá, sẵn sàng nghỉ học để ở nhà bắt cá. Nghỉ riết cái over số ngày nghỉ quy định, lên lớp cô giáo chủ nhiệm hỏi lý do thì mình toàn viện cớ do lụt
Cô chỉ tên mấy thằng cùng làng răng tụi nó không lụt mà mi lụt
Mình bảo xóm em thấp nên lụt,
Cô lại chỉ thằng cùng xóm…. đúng xui
Thế là lại lý do nhà em không có ghe

Đến khi lụt to thật thì chuyển sang đi bắt chim, bắt chuột, thả lưới…
Nước rút rồi đứa nào cũng đi học bình thường, riêng nhà mình vẫn lụt
Tóm lại làng em là LỤT cục bộ, chỉ lụt ở mỗi nhà em nên thầy cô đừng hỏi nữa

tuổi thơ, quê hương tuổi thơ, ký ức tuổi thơ
Thả lưới trên ruộng

May cũng có COCC (con cha cháu ông) ở trường tý nên được bảo kê chứ không giờ đi bán vé số dạo mất rùi

Vâng, quê hương tuổi thơ tôi là thế đó, những cũng đáng buồn, đáng tiếc bây giờ tìm đâu ra những ngày tháng đó. Những trò chơi gắn bó hàng ngày của tuổi thơ tôi bây giờ cũng mất luôn vào dĩ vãng. Thay vào đó là tivi, là điện thoại, máy tính… là các trò chơi điện tử. Vạ đặc biệt là trẻ em bây giờ cũng chẳng còn chỗ mà chơi vi đã “được” bê tông hóa hết mất rồi. Cũng chẳng còn thời gian mà chơi vì phần lớn thời gian chỉ dành cho việc học, ngày học đêm học, chủ nhật cũng học…chả biết học gì mà lắm thế.

Dẫu biết xã hội phát triển thì cuộc sống con người thay đổi, và cũng biết đâu “quê hương tuổi thơ” hiện tại lại tốt cho thế hệ này, cho xã hội này. Nhưng với tôi, nó vẫn là một cái gì đó luyến tiếc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *