Lịch sử thành lập trường Quốc Học Huế
Xem thêm: Trường Đồng Khánh Huế có từ bao giờ ?
Để có đủ thông ngôn làm việc với Pháp, Tháng tư, mùa hạ năm Đồng Khánh thứ hai (5-1887), triều đình Huế lập trường học chữ và tiếng Pháp tại Kinh đô. Ông Diệp Văn Cường làm kiểm thảo trông coi ty Hành Nhân kiêm luôn chức Chưởng giáo của trường, ông Nguyễn Hữu Mẫn làm Hành Nhân vụ chuyển làm Trợ giáo (instituteur auxiliaire). Con cái quan lại, binh lính, bình dân “tự xuất lương nhà” tới trường học tập. Đến cuối hàng năm, viện Cơ Mật tổ chức sát hạch, chọn những học sinh khá mới cho vào ty Hành Nhân và lúc đó mới được cấp lương cho ăn học. (Bản dịch Đại Nam thực lục chính biên, tập XXXVII, NXB KHXH, HN.1977, tr.271).
Gần mười năm sau, dưới thời vua Thành Thái, trước thực tế chính quyền do người Pháp nắm giữ, nhận thấy Nam triều không những phải làm việc với Pháp qua thông ngôn mà chính quan lại của Nam triều cũng phải biết tiếng Pháp không những để làm việc với Pháp mà còn để học văn minh văn hóa Tây phương vừa góp phần canh tân đất nước vừa có thể bảo vệ được quyền lợi của Việt Nam. Do đó, triều đình Thành Thái chủ trương bãi bỏ trường Hành Nhân và mở một trường học quốc gia tại Huế để cho người Việt Nam được học văn minh văn hóa phương Tây lấy tên là Pháp tự Quốc Học trường, thường gọi là trường Quốc Học. Chủ trương của triều đình Huế không có hại gì cho thực dân Pháp và cũng không tốn ngân sách của tòa Khâm sứ nên được Pháp đồng ý. Toàn quyền Đông Dương ký nghị định ngày 18-11-1896, cho thành lập một trường Pháp – Việt ở Huế, gọi là trường Quốc Học Huế. (Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, t.1, Nxb KHXH, HN.1981, tr.403)
Việc dạy và việc học của trường Quốc Học được nói rõ trong sắc dụ của vua Thành Thái ngày 23-10-1896 như sau:
“Lại năm ấy (Thành Thái thứ thứ tám) nghị đặt trường Quốc Học, chuyên dạy chữ và nói tiếng Pháp nhưng vẫn không nên bỏ chữ Hán. Học trò từ 15 tuổi đến 20 tuổi mới được vào học. Người nào xét ra am hiểu chữ Hán, có thể theo học được thì cho phép được vào học. Trẻ con từ tám đến mười lăm tuổi trở xuống, cha mẹ có đơn xin cho vào học thì đặt vào lớp học trò ngoại ngạch, đặt riêng ra một lớp để dạy học. Viên chức ở trường này, đặt một, hai, ba, bốn hạng chưởng giáo, mỗi hạng một giáo chức. Một giáo viên dạy học trò trẻ con, hai viên giám thị. Viên chưởng giáo đối hàm quan lại Việt Nam, được quyền chuyên giữ các việc tư báo. Sinh viên học tập, lúc sát hạch được trúng cử, sẽ tuân lệ ban thưởng cho”. (Đại Nam điển lệ: bộ Lễ. Bản dịch của Nguyễn Sĩ Giác, viện Đại học Sg.1962).
Trong đạo dụ ngày 23-11-1896, vua Thành Thái đã nói rõ hơn về cần thiết của việc cải tổ giáo dục như sau: “Nay ngoài những thánh kinh, hiền truyện của Trung Hoa, lại còn nhiều sách trước tác ở các nước khác và trách nhiệm của người đại diện phát ngôn trong khi giao thiệp trên đường quốc tế rất là quan trọng. Vả lại phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang trí thức, để đào tạo đầy đủ tài năng hầu giải quyết những vấn đề chính sự và hành chính và điều hòa giáo dục đúng phương pháp, lại là phương tiện để khai thông dân trí, đào tạo nhân tài. Trong tình hình hiện tại không thể xem thường những nhận xét trên đây được, bởi vì nước ta việc giáo huấn theo sách vở Khổng giáo từ trường Quốc Tử giám ở Kinh đô đến các trường công ở tỉnh, phủ, huyện lỵ, tuy rất phổ cập và hoàn toàn nhưng việc giảng của các môn học Tây phương đến nay vẫn còn thiếu sót nên cần phải bổ cứu”. (Trích lại của đặc san Ái hữu Quốc Học, số 1, Huế 1970 tr.7 – 8).
Thực hiện chủ trương của triều Thành Thái, viện Cơ Mật ủy cho các ông Trương Như Cương (bộ Hộ), Huỳnh Vỹ (bộ Lễ) và Ngô Đình Khả (Thương biện Cơ Mật) lo việc thành lập trường Quốc Học. Trong cuộc họp giữa Nam triều và tòa Khâm sứ Huế diễn ra vào ngày 28-8-1896, nhất trí dành cho toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm vị chưởng giáo của trường Quốc Học. Trong tờ trình ngày 6-11-1896 gửi toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ Ernest Brière với sự nhất trí của Khâm mạng Nguyễn Thân (người đứng đầu viện Cơ Mật), đề cử viên Thái Thường tự khanh Ngô Đình Khả vào chức chưởng giáo trường Quốc Học. Toàn quyền Đông Dương đồng ý. Để giúp cho ông Ngô Đình Khả, phía chính phủ Bảo hộ cử ông Dieudonnat làm phó chưởng giáo. Nhưng hai năm sau (1898), theo dự ngày 30-4-1898 tổ chức lại nhân sự của trường Quốc Học, một quyết định của toàn quyền Đông Dương cử ông Nordeman làm chưởng giáo (directeur) và ông Ngô Đình Khả xuống làm phó chưởng giáo (sous directeur).
Theo Phó bảng Nguyễn Văn Mại, năm 1897, ông Ngô Đình Khả còn làm quản giáo dạy chữ Pháp, trong lúc đó ông Mại làm quản giáo dạy chữ Hán. (Lô Giang tiểu sử , tr.95).
Công tác đào tạo tại trường sau khi thành lập
Về ban giảng huấn và hệ thống các lớp học lúc đầu cụ thể như thế nào chúng tôi chưa tìm được tài liệu gốc để tham khảo. Chỉ biết sau khi tổ chức lại nhân sự (1898) thì trường Quốc Học có các thầy giáo phụ trách các ban (sections) và các lớp (cours) sau đây:
Ban Quan Viên tử đệ ( section des Gradués ), phân ban 1 do thầy Nguyễn Đình Hòe và phân ban 2 do thầy Ứng Trình phụ trách.
Ban phổ thông: Lớp nhất chỉ một lớp do thầy Nguyễn Đình Hòe phụ trách; lớp nhì có hai lớp (dành cho người lớn), lớp A do thầy Tạ Ngọc Xuân và thầy Hoàng Thông phụ trách, lớp B do thầy Nguyễn Hữu Mẫn và thầy Nguyễn Khoa Đạm phụ trách; lớp sơ đẳng có hai lớp (dành cho trẻ con) do thầy Tống Viết Toại và thầy Hồ Đắc Hàm phụ trách; lớp dự bị (dành cho người lớn) có hai lớp do thầy Ưng Dụ, Đào Tử Hưng phụ trách; lớp dự bị (dành cho trẻ con) có 4 lớp do các thầy Phan Tiến Thịnh, Phạm Xuân Dương, Lê Bình, Hồ Đắc Đệ dạy.
Ngoài ra có ông Trương Tố làm giám thị và ông Trần Đình Giảng làm thư ký. Về danh sách những học sinh đầu tiên của trường Quốc Học chúng tôi cũng chưa tìm được. Theo các học sinh đầu tiên còn sống và tham dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường Quốc Học (1896 – 1956) thì lúc đầu trường đã mở các lớp:
– Lớp tôn ấm (có Ưng Dự, Tôn Thất Quảng…)
– Lớp tuấn tú (có Hồ Đắc Hàm…)
– Lớp khoa mục (có Ưng Dinh…)
– Lớp hành Nhân (có Trần Văn Tư…)
Khóa đầu tiên ra trường vào năm 1899. (Trong những học sinh đầu tiên ấy sau hai mươi năm tốt nghiệp đã được giữ lại làm giáo viên cho trường như các ông Ưng Dự, Hồ Đắc Hàm).
Về trường sở ban đầu của trường Quốc Học được Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân (1913), tập Kinh sơ, ghi rằng:
Trường Quốc Học ở nơi công thổ tả doanh Thủy sư, dựng năm Thành Thái thứ tám, có một tòa đốc giáo đường ba gian hai chái, ba tòa cư trú của các viên trợ giáo (mỗi tòa đều ba gian), năm thứ 10 (1898) lại làm thêm hai dãy trường ốc (dãy trước 30 gian, dãy sau 16 gian) để làm chỗ dạy tập học. Sau đốc giáo đường lại làm nhà vuông bốn mặt. Tú vị đều xây la thành, mặt trước xây môn lầu hai tầng, tầng trên có tấm bảng khắc sáu chữ Pháp tự Quốc Học trường môn, son đỏ thếp vàng, dựng năm Thành Thái thứ chín (1897) ” (Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nhà Văn Hóa Bộ QGGD, Sg.1960, tr.80 -81).
Từ năm 1898, nhiều vị cử nhân, phó bảng, tiến sĩ muốn bổ đi làm quan đều phải vào trường Quốc Học (Ban quan viên tử đệ) để học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Hầu hết các vị phó bảng và tiến sĩ khoa thi Hội và thi Đình năm Tân Sửu (1901), trong đó có các cụ Ngô Đức Kế, Nguyễn Viết Song, Phan Châu Trinh… đều đã học thêm tại Quốc Học. Lớp Quan viên tử đệ tốt nghiệp ra trường có các ông Đào Nguyên Phổ, Phạm Liệu, Nguyễn Tự Dư, Nguyễn Đình Hiến, Kỳ Ngoại hầu Cường Để, Ưng Dinh, Ưng Bình, Tôn Thất Quảng, Bùi Hữu Hưu, Bùi Hữu Thứ, Nguyễn Trọng Tịnh, Đặng Văn Huớng, Đặng Văn Oánh, Hồ Đắc Hàm, Ưng Dự, Chiêm Thiết…
Theo tài liệu lưu trữ của Pháp, từ năm 1897 đến năm 1903, đã có 436 học sinh tốt nghiệp, 93 người có việc làm, trong số đó có 10 hậu bổ. Năm 1905, hai học sinh khác là Phan Châu Trinh và Đào Nguyên Phổ được báo cáo là có việc làm: Phó bảng Phan Châu Trinh làm Hành tẩu bộ Lễ và Đào Nguyên Phổ phụ trách phần chữ Hán của Đại Việt tân báo.
Trường Quốc Học do triều Thành Thái thành lập với sự đồng ý của Pháp. Chương trình học cả chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán, đều do thầy người Việt dạy. Sau hai năm thì Pháp giành lấy và dần dần biến trường Quốc Học thành một cơ sở giáo dục quan trọng của Pháp ở Trung kỳ từ cuối thế kỷ XIX cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Quốc Học là một trường học của thực dân Pháp nhưng nhiều giáo sư người Pháp và người Việt của trường không có đầu óc thực dân. Do đó, trong lúc thanh niên Việt Nam chưa có điều kiện du học, họ thi vào trường Quốc Học, lợi dụng phương tiện của thực dân để mở mang kiến thức hiện đại trở thành người hữu ích cho xã hội Việt Nam, cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc diễn ra suốt 3/4 thế kỷ qua. Sự ra đời của trường Quốc Học ở Huế là một sự kiện văn hóa lịch sử quan trọng bậc nhất của Nam triều và Pháp hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tham khảo: 700 NĂM THUẬN HÓA, PHÚ XUÂN, HUẾ – NGUYỄN ĐẮC XUÂN