Lễ hội cầu ngư ở Thuận An được tổ chức như thế nào ?

Thuận An là một bãi tắm lý tưởng, cách thành phố Huế chừng 12km về phía Đông, từng được các sách hướng dẫn du lịch Việt Nam chú ý.

Các nhà nghiên cứu hẳn đã biết Thuận An là chiến trường, nơi diễn ra các trận chiến đẫm máu giữa người Việt và các lực lượng thù địch bên ngoài, kể từ khi vùng đất này còn là biên địa giữa Đại Việt và vương quốc Chămpa cho đến năm 1975.

Và, vào cuối năm 1999, ai cũng biết đến Thuận An bởi cơn lũ lịch sử đã nhấn chìm hàng trăm nóc nhà dưới biển sâu để mở ra thêm cửa biển Hòa Duân.

Nhưng còn một điều khác nữa rất thú vị là trên đất Thuận An có nhiều di tích lịch sử, đặc biệt “cứ ba năm đáo lệ lễ hội cầu Ngư một lần”.

Thuận An là tên do vua Gia Long ban cho cái của biển cắt ngang lưỡi cát chạy dọc phía Đông phá Tam Giang vào năm 1814. Cái cửa cắt ngang lưng lưỡi cát nên trước kia nó có tên là cửa Eo (lưng) hay cửaNhuyễn. Cửa biển này không ngớt bị gió bão, chiến tranh đe dọa. Đến đời Nguyễn, vua Gia Long ước mơ “từ đây mưa sẽ thuận và gió sẽ yên (an)”. Vì thế nhà vua mới ban cái tên Thuận An.

Thuận An giữ vị trí yết hầu của cố đô Huế, là nguồn cảm hứng sáng tác thi ca của vua quan và văn nhân thời Nguyễn. Ngày nay, Thuận An còn là tên của một xã có 8.500 dân, gồm năm thôn và thôn trung tâm là thôn An Hải. Ở đây có đình Thai Dương đồ sộ, với tường thành và cột trụ đều được khảm sành sứ giống như lăng Khải Định. Các lễ hội cầu ngư đều tổ chức giữa sân đình này.

Lễ hội cầu ngư diễn ra vào hai ngày 11 và 12 tháng giêng âm lịch. Chương trình thường có hai phần chính: phần lễ và phần hội (có phụ diễn văn nghệ truyền thống như ca Huế, hát Bội, múa lục cúng hoa đăng, đốt pháo hoa và đua thuyền trên phá Tam Giang).

Đúng 7 giờ tối ngày 11, năm trăm bô lão khăn đen áo dài tề tựu ở đình Thai Dương làm lễ trúc yết với thần linh theo nghi lễ cổ truyền. Vị tế đọc văn điếu nói lên ý thức “uống nước nhớ nguồn” của dân làng và cầu mua thuận gió hòa để cho đây đó an dưỡng an vui. Văn tế chấm dứt, nhân dân trong đó có hàng trăm người đi làm ăn xa xứ mới về lần lượt vào đền dâng lễ phẩm và lễ bái.

Phần lễ chính (chánh tế, diễn ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 12, trong bầu không khí sực nức mùi trầm hương, thanh tịnh. Khói hương và sương đêm quyện vào nhau, nối sự thành kính và trang nghiêm của dân làng với mênh mông trời biển. Hoa quả, xôi vò, thịt heo được hào soạn chỉnh tề. Chuông trống bát nhã nổi lên. Khi chuông trống vừa dứt, vị chủ lễ mặc áo rộng xanh đọc bài văn tế thứ hai để tỏ lòng biết ơn tất cả những vị tiền bối xưa nay đã bỏ công khai phá, xây dựng và bảo vệ Thuận An, biết ơn những vị khóa bảng đã dày công vun xới cho làng quê thêm phần văn vật.

Người dân Thuận An rất tự hào làng mình có xử sĩ Hoàng Quang ( ? – 1801 ) tác giả truyện thơ Hoài Nam khúc, một tác phẩm bất hủ thời Gia Long và là một trong những vị khai khẩn của Thuận An.

Ngày 12, trời vừa rạng sáng, hàng vạn người chen lấn nhau chung quanh cái sân rộng trước đình Thai Dương. Đến 6 giờ sáng, một vị bộ lão mặc áo rộng xanh đứng trên đài cao tung vãi những nắm tiền làm bằng giấy ngũ sắc ra giữa sân rộng giả làm mồi cá). Hàng trăm em nhỏ từ sáu đến tám tuổi mặc áo quần và đội mũ vẽ hình cá, tôm, mực ùa ra thi nhau nhặt tiền (tượng trưng cho một đàn cá giành nhau đáp môi). Các ngư dân mặc áo dài đen, đầu chít khăn đỏ (dấu hiệu may mắn) tung các loại “câu” và giật lia lịa. Bỗng nhiên, có một chiếc ghe (làm bằng tre nan giống như thật) được 30 ngư dân mạnh khỏe di chuyển chạy vòng quanh đàn “cá”. Các ngư dân khác đứng trên ghe bủa lưới vây lấy đàn “cá”. Người ta chọn bắt con “cá” lớn nhất đem vào đình để cúng tượng trưng cho các vị tiền bối. Số “cá” biết nói biết cười còn lại người ta bắt “ban” cho các bà hàng cá gọi là “rỗi”. Các “rỗi” ăn mặc đẹp, đầu chít khăn màu sặc sỡ, hồ hởi bỏ tiền ra “mua cá” và bỏ vào quang gánh chạy đi bán.

Lễ hội cầu ngư Thuận An
Lễ hội cầu ngư Thuận An (Ảnh: ST)

Diễn trên sân xong, các trò lại được lặp lại dưới nước, ở đoạn phá Tam Giang ngay trước sân đình. Hàng chục chiếc tàu cá thật tham gia trò diễn. Tất cả các loại hình đánh bắt cá đều được trình bày. Cuộc thao diễn hết sức ngoạn mục. Trò diễn càng hào hứng, người tham gia càng đông và niềm tin “được mùa” càng cao.

Tiếp sau các trò diễn cầu ngư là cuộc đua trải. Người đứng xem chật cả bờ phá, trên cầu Thuận An và trên hàng trăm chiếc ghe thuyền đậu chung quanh khu vực đua. Trống giục, cờ giong, vui nhộn hết sức. Các địa phương đua trải nổi tiếng ở Thừa Thiên như Phú Bài, Phú Mỹ, Dương Nỗ, Hương Phong đều gửi ghe đến dự. Theo lệ, cuộc đua có mười tráo (đợt) gồm tráo cúng (mở đầu), tám tráo tiền và một trào phá giành chức vô địch). Cuộc đua trải xong là chấm dứt lễ hội.

Lễ hội cầu ngư ở Thuận An ngoài ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đánh bắt được nhiều hải sản, còn là một cơ hội để hội tụ con dân Thuận An ở khắp nơi trên cõi đời này.

“Vò vo chấm với muối rang

Đi mô cũng nhớ Thuận An mà về”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *