Lịch sử thành lập trường Đồng Khánh
Xem thêm: Cho biết lịch sử ra đời và những niên khóa đầu tiên của trường Quốc Học Huế ?
Cho đến đầu thế kỷ XX, ít người phụ nữ Việt Nam được đi học. Ở Huế, trường Quốc Học ra đời (1896) chỉ dành cho nam giới. Ở thuộc địa Nam Kỳ có trường Chasseloup – Laubat (tại Sài Gòn), ở đất bảo hộ Bắc Kỳ có trường trung học Bảo Hộ (College du Protectorat) cũng chỉ dành cho nam sinh. Sau đó ít lâu, do càng ngày con gái những người Pháp Việt Nam càng đông, Sài Gòn mới mở một trường nữ trung học đầu tiên, còn ở Huế không có trường nữ trung học, ban đầu chỉ có trường tiểu học Jeune Fille ở đường Paul Bert (nơi tọa lạc trường Phú Hòa A – Thượng Tứ ngày nay). Cho mãi đến năm 1915, sau khi có sắc lệnh bãi bỏ thi hương ở Bắc Kỳ, phá bỏ ngôi trường mái tranh Quốc Học để xây dựng lại thành hai dãy lầu Quốc Học xinh xắn, chính quyền Pháp và Nam triều mới nghĩ đến việc xây dựng ở Huế một trường nữ trung học để cho phụ nữ xứ “An Nam” có điều kiện học tập, thi thố tài năng với phái nam. Suy nghĩ đúng đắn đó đã không thành hiện thực và cuộc khởi nghĩa năm 1916 của vua Duy Tân bất thành. Đến năm 1917, công cuộc xây dựng trường Quốc Học hoàn thành được một nửa, vua Khải Định được sự đồng ý của Toàn quyền Albert Sarraut, quyết định thành lập trường nữ trung học đầu tiên ở Trung Kỳ (tức nước An Nam). Sau lễ kỷ niệm cách mạng Pháp 1789 lần thứ 128, vua Khải Định ngự giá lên mảnh đất bên phía phải trường Quốc Học của thủy quân hoàng gia xưa, đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường nữ trung học, lấy tên Đồng Khánh (Hoàng khảo của vua Khải Định) đặt cho trường. Từ hôm ấy, hàng trăm người thợ Huế bắt tay làm việc dưới sự điều khiển của nhà thầu Leroy. Trong vòng chưa đầy hai năm, ngôi trường nữ trung học duyên dáng, khang trang đã sừng sừng soi bóng bên dòng Hương Giang, thêm một nét Huế vĩnh cửu, một nguồn cảm xúc cho biết bao thế hệ thi nhân.
Người hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ trung học Đồng Khánh là bà Yvonne Lebris. Bà Yvonne xuất thân trong một gia đình có nhiều người đi dạy học và nổi tiếng ở Đông Dương lúc ấy. Một trong những người được người Huế kính phục là thầy Eugène Lebris, giáo viên trường Quốc Học. Tuy được mang tên là trường trung học (college) nhưng trường Đồng Khánh ban đầu có cả các lớp tiểu học chuyển từ Jeune Fille bên Bắc sông Hương qua. Buổi đầu, trường Đồng Khánh là một sản phẩm của thực dân Pháp. Người Pháp lập ra trường Đồng Khánh để đào tạo nhân tài nữ làm công bộc cho chính quyền bảo hộ. Nhưng dù sao, nữ sinh Việt Nam vào học trường Đồng Khánh cũng được tiếp xúc với văn minh văn hóa phương Tây, văn học cách mạng Pháp, phần nào đã ảnh hưởng và khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự trọng vốn có trong lòng người Việt Nam. Và người Pháp đã không ngờ rằng chính những nữ sinh học giỏi của trường Đồng Khánh lại là những người có tinh thần độc lập với Pháp nhất.
Gần ba mươi năm dưới thời Pháp thuộc (1917-1945), mặc dầu trường Đồng Khánh do người Pháp trực tiếp điều hành và kỷ luật rất nghiêm khắc, song nữ sinh trường Đồng Khánh vẫn luôn sát cánh cùng nam sinh trường Quốc Học tham gia hoạt động bí mật và đấu tranh công khai với chính quyền Bảo hộ. Năm 1925, cô giáo (đứng đầu là bà Trần Thị Như Mân) và nữ sinh Đồng Khánh đã đánh điện yêu cầu Toàn quyền Varen phải tha bổng nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1927, cô Đào Thị Xuân Yến (Đệ tứ niên) là người cầm đầu học sinh Đồng Khánh tham gia cuộc bãi khóa chống Pháp năm 1927 v.v…Tinh thần đấu tranh yêu nước dũng cảm của các chị đã bộc lộ mạnh mẽ nhất vào những ngày Cách mạng mùa thu năm 1945. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cô Hiệu trưởng Võ Thị Thể cùng nhiều thầy cô giáo và nữ sinh đã thoát ly và sau này trở thành những cán bộ, những nhà giáo ưu tú.
Và ngọn lửa yêu nước được nhóm lên từ những thập kỷ đầu tiên ở trường Đồng Khánh đã rực sáng mãi cho đến ngày cuối cùng của hai cuộc chiến tranh vệ quốc.
Nhắc đến trường Đồng Khánh là gợi lại sự trẻ trung, duyên dáng đáng yêu. Hôm nay nhìn lại lịch sử, trường đã ngót hơn 80 niên khóa.
Công tác đào tạo
Bà Yvonne Lebris – người hiệu trưởng đầu tiên (1917) và bà Martin – người hiệu trưởng Pháp cuối cùng (1945). Từ ngày được bàn giao cho chính quyền Việt Nam, trường Đồng Khánh đã được các vị nữ hiệu trưởng kế tiếp nhau điều hành như sau: Bà Võ Thị Thể, bà Hồ Thị Thanh, bà Nguyễn Đình Chi”, bà Nguyễn Thị Quýt, bà Nguyễn Thị Tiết, bà Đặng Tống Tịnh Nhơm, bà Tôn Nữ Thanh Cẩm, bà Thân Thị Giáng Châu, bà Lê Thị Tường Loan, bà Phan Thị Bích Đào. Sau ngày Huế giải phóng, năm 1975 cô Lê Thị Vui làm trưởng ban điều hành, và trường được đổi tên là trường Trưng Trắc. Năm 1976, bà Ngô Thị Chính làm hiệu trưởng, tiếp theo là bà Phan Thị Thái Hà, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích. Năm 1978, trường lại được đổi tên thành Hai Bà Trưng, ông Hà Thúc Định làm hiệu trưởng và đương kim hiệu trưởng là ông Ngô Đức Thức.
Giáo viên chính thức của trường (thời Pháp thuộc cũng như thời tự chủ) chủ yếu là nữ. Nhưng nhà trường luôn tìm mời những giáo viên giỏi dạy giờ để tranh thủ tri thức của họ. Trải qua hơn 80 niên khóa không thể nào kể hết tên tuổi những thầy giáo đã góp phần làm nên truyền thống yêu nước và học giỏi của trường Đồng Khánh Huế, chỉ xin nêu một số nhỏ:
– Văn: Cụ Lâm Mậu (người giúp cho cụ Đào Duy Anh làm Tự điển Hán Việt), cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (chú giải nhiều tác phẩm cổ văn), cụ Phan Văn Dật (một nhà văn, một trí thức uyên bác của Huế).
– Âm nhạc: cụ Nguyễn Trung Phán, nhạc sĩ Văn Giảng…
Họa: cụ Tôn Thất Sa, họa sĩ Lê Yên, họa sĩ Hiếu Đệ, họa sĩ Đinh Cường…
– Ngoại ngữ: thầy Phạm Kiêm Âu (Pháp văn), thầy Cao Xuân Duẩn (Anh văn)…
– Toán: thầy Châu Trọng Ngô…
Về giáo viên nữ, ngoài những cô dạy văn hóa, còn có nhiều cô dạy nữ công gia chánh. Các cô dạy nữ công gia chánh có một ảnh hưởng lớn đối với học sinh là bà Ngọc Lan, bà Bửu Tiếp và đặc biệt là cô Hoàng Thị Kim Cúc. Suốt cuộc đời, bao nhiêu tâm huyết cô Cúc đều dành cho bộ môn nữ công gia chánh trường Đồng Khánh. Những giáo trình dạy trường, cô Cúc đã in thành sách phổ biến rộng rãi trong nước và cả cho Việt kiều ở nước ngoài.
Trước năm 1954, trường Đông Khánh chỉ có cấp I và cấp II, thi bằng Thành chung xong phải sang trường Quốc Học học ban Tú tài (cấp III). Từ năm 1955 đến 1965 có thêm hai lớp đệ tam và đệ nhị (nay là lớp 10, lớp 11), thi Tú tài bán phần xong (Tú tài 1) qua Quốc Học học đệ nhất (lớp 12). Từ sau 1965 đến nay trường Đông Khánh mở thêm lớp đệ nhất dạy chương trình Tú tài II (thi Tú tài toàn phần), có vị trí ngang hàng với trường Quốc Học.
Sau hơn 80 niên khóa, trường Đồng Khánh đã đào tạo cho đất nước biết bao thế hệ nhân tài nữ, trong nhiều lĩnh vực: nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, nhà ngoại giao… Nữ sinh Đồng Khánh dù sống trong mọi miền đất nước hay cư trú ở nước ngoài, hoạt động trong bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào, ở bờ nam hay bờ bắc sông Hương đều có chung một ý nghĩ rất tự hào mình là cựu học sinh Đồng Khánh. Cái gì đã tạo nên niềm tự hào chung ấy?
Thời Pháp thuộc, các bà hiệu trưởng và giáo viên của trường phân lớn được đào tạo chính quy, có khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao. Ví dụ như trường hợp bà hiệu trưởng Boudron Damasy là một Thạc sĩ Sử địa. Bằng cấp và năng lực của bà con cao hơn cả Học chánh trung kỳ Délétie. Những hiệu trưởng người Việt là cựu nữ sinh Đồng Khánh đã nổi tiếng về trình độ học vấn, về tư cách, đạo đức một thời. Các bà có nữ tính cao, tận tụy với nghề nghiệp, thương yêu học sinh, luôn giữ được truyền thống công dung ngôn hạnh của người phụ nữ phương Đông, phụ nữ Huế. Các thế hệ giáo viên chịu ảnh hưởng của các bà hiệu trưởng, truyền dạy lại cho các thế hệ học sinh tự hào chung của nữ sinh Đồng Khánh như một dòng sông không dứt. Chính cái dòng sông ấy tạo nên niềm tự hào chung của nữ sinh Đồng Khánh.
Niềm tự hào của cựu nữ sinh Đồng Khánh là hành trang dành cho các thế hệ nữ sinh Hai Bà Trưng ngày nay bước vào con đường tương lai thế kỷ XXI.
Tham khảo: 700 NĂM THUẬN HÓA, PHÚ XUÂN, HUẾ – NGUYỄN ĐẮC XUÂN