Sau khi lên ngôi hoàng đế vào năm 1802, vua Gia Long bắt tay vào quá trình xây dựng đất nước. Và một việc vô cùng quan trọng đối với mỗi triều đại là xây dựng kinh đô. Nơi bảo vệ quyền lực của vương Triều. Từ năm 1803, vua Gia Long đã bắt đầu quá trình quy hoạch, thiết kế Kinh thành Huế. Đến 1805 thì bắt đầu công cuộc xây dựng toàn bộ Kinh thành
Về tổng thể Kinh thành Huế gồm có 3 vòng thành. Mỗi vòng thành đều có chức năng riêng, tất cả đều hướng về phía Nam (lệch Đông)
Tên gọi của 3 vòng thành ấy theo thứ tự ngoài lớn, vào phía trong nhỏ như bên dưới
- Kinh thành: vòng ngoài cùng gồm 13 cửa ra vào (11 cửa đường bộ và 2 cửa đường thủy)
- Hoàng thành: vòng thành giữa gồm 4 cửa ra vào
- Tử cấm thành: vòng thành trong cùng. Lúc mới xây dựng thì chỉ có 7 cửa. Về sau trổ thêm 3 cửa
Kinh thành Huế với 13 cửa ra vào đều có tên chữ Hán khắc ở mặt trước và sau cửa. Đây là tên chính thức của Nhà Nguyễn đặt. Còn người dân thì vẫn hay gọi tên theo thói quen liên hệ tới 1 cái gì đó cho dễ nhớ.
1. Tên gọi 11 cửa đường bộ
Trừ cửa Chánh Tây và Trấn Bình Môn ra, thì 9 cửa còn lại đều có tên dân gian
Mặt thành hướng Nam gồm 4 cửa: trong đó 2 cửa sát kỳ đài gọi là NAM VƯƠNG MÔN, 2 cửa này chỉ dành cho hoàng gia đi. Tên dân gian là Cửa Ngăn và Cửa Sập
1️⃣ Cửa Ngăn (cửa Thể Nhân): dành cho vua và hoàng gia ra vào. Mỗi lần vua và hoàng gia ra vào kinh thành thì triều đình cho lính ra ngăn con đường trước mặt kinh thành, không cho ai đi qua lại. Nên gọi là CỬA NGĂN
2️⃣ Cửa Sập (cửa Quảng Đức): cửa này bị sập năm 1953 do lụt. Trước 1945, cửa này cũng dành cho vua và hoàng gia đi nên còn cửa Ngăn (cửa ngăn Trên, còn cửa Ngăn hiện này thì gọi là cửa Ngăn dưới). Năm 1998, cửa Sập được trùng tu.
Hiện tại thì đa phần người dân dùng từ cửa Quảng Đức, tên cửa Sập chỉ vài người lớn tuổi dùng, đặc biệt là người dân ở gần khu vực cửa Sập.
Phía nam: Ngoài Cửa Ngăn và Cửa Sập cho vua và hoàng gia thì còn thêm 2 cửa:
3️⃣ Cửa Nhà Đồ (cửa Chánh Nam – Đường Nguyễn Trãi): thời vua Gia Long có 1 kho chứa binh khí, có thợ làm đồ dùng cho nhà vua gọi là Đồ Gia, dịch sang tiếng Việt là Nhà Đồ. Cửa Chánh Nam nằm gần Nhà Đồ nên dân gian gọi là CỬA NHÀ ĐỒ. Tên gọi này đến nay vẫn còn dùng.
4️⃣ Cửa Thượng Tứ (cửa Đông Nam) – Đường Đinh Tiên Hoàng: cửa này nằm gần viện Thượng Tứ (Trường Tiểu học TRẦN QUỐC TOẢN bây giờ) chuyên môn trông coi việc nuôi ngựa để kéo xe cho vua.
Phía Bắc: gồm 2 cửa
5️⃣ Cửa Hậu (cửa Chánh Bắc – Đường Đinh Tiên Hoàng nối dài): vì tọa lạc ở mặt sau của Kinh thành Huế
6️⃣ Cửa An Hòa (cửa Tây Bắc – Đường Nguyễn Trãi): vì mặt trước có làng An Hòa và chợ An Hòa
Phía Tây: có 2 cửa
7️⃣ Cửa Chánh Tây (Đường Thái Phiên): Vẫn gọi theo tên đúng của nó là Cửa Chánh Tây
8️⃣Cửa Hữu (cửa Tây Nam – Đường Yết Kêu): vì nằm bên phải (hữu) của Kinh thành
Phía Đông: gồm 2 cửa chính và thêm một cửa ở thành phụ Trấn Bình Đài
9️⃣Cửa Đông Ba (cửa Chánh Đông – Đường Mai Thúc Loan): cửa này liên quan đến chợ Đông Ba. Thời xưa tại đây có chợ tên là Quy Giả, sau này đổi tên thành chợ Đông Hoa.
Về sau vì phạm húy chữ HOA nên tên chợ được đổi thành Chợ Đông Gia, nhưng vì chữ GIA khó đọc nên người dân đọc thành Đông Ba. Sau này chợ được dời ra vị trí hiện tại như bây giờ.
10. Cửa Kẻ Trài (cửa Đông Bắc – Đường Kẻ Trài): phía trước cửa này bên kia sông đào Đông Ba có xóm mang tên Kẻ Trài, hiện cửa này dẫn vào khu quân đội.
Cửa này thì nhiều người ở Huế không biết, đặc biệt là người trẻ. Lý do chính là không mấy người được đi qua cổng này.
11. Trấn Bình Môn: Đây là cửa từ Kinh thành ra TRẤN BÌNH ĐÀI, một thành phụ nằm ở gốc Đông Bắc Kinh thành. Người dân hay gọi là Mang Cá nhỏ. Để tới được cửa này thì đi vào đường Mang Cá Nhỏ, chạy hết đường sau đó chạy theo đường mòn bên tay trái là thấy
Trấn Bình Môn – Mấy tòa nhà phía trên hiện tại nằm trong bệnh viện Quân Y 268
Nếu nói đúng (xem TRẤN BÌNH ĐÀI thuộc kinh thành Huế) thì để ra khỏi phạm vi Kinh thành từ Trấn Bình Môn thì phải đi qua thêm Trường Định Môn – là một trong hai cửa của TRẤN BÌNH ĐÀI – nối TRẤN BÌNH ĐÀI với bên ngoài. Nghĩa là từ Kinh thành đi qua TRẤN BÌNH MÔN vào TRẤN BÌNH ĐÀI sau đó đi qua TRƯỜNG ĐỊNH MÔN để ra bên ngoài.
2. Tên gọi 2 cửa đường Thủy
Ngoài ra để ra vào kinh thành Huế thì còn 2 cửa ở hai đầu sông Ngự Hà ở phía Đông và Tây là:
12. Đông Thành Thủy Quan
13. Tây Thành Thủy Quan
Tuy nhiên hiện tại thì tại 2 đầu cửa này đều có đập chắn ngang, nên thuyền qua lại cũng khó khăn
Tham khảo: kiến thức tham khảo từ sách của 2 nhà Huế học: PHAN THUẬN AN và NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế.
Bài viết hay lắm nha bạn
Thông tin rất hữu ích
Cảm ơn tác giả đã tổng hợp kiến thức về 13 cửa thành đường bộ và đường thuỷ, mong lãnh đạo Tp Huế, tỉnh TT H và Trung Ương có đủ tâm và tầm để thiết kế trùng tu và bảo tồn di tích đang còn hoặc đã hư hỏng để Huế xứng đáng là cố đô, phản ánh lịch sử phát triển của đất nước, có niềm tự hào dân tộc khi sánh cùng các cố đô của các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới.
Cảm ơn bạn nhé.