Lăng Khải Định – Lăng mộ đẹp nhất của các vị vua Nguyễn

lăng Khải Định, lang Khai Dinh

Bài 6: LĂNG KHẢI ĐỊNH (Ứng Lăng)

>>> Xem thêm:  Lăng các vua Triều Nguyễn

So với 6 khu lăng khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải định là lăng xây sau cùng và mặt bằng xây dựng nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của. Nếu lăng Gia Long xây dựng trong 6 năm (1814 – 1820), lăng Minh Mạng trong 4 năm (1840 – 1843), lăng Tự Đức 3 năm (1964 – 1967 ), thì công cuộc xây dựng lăng Khải Định kéo dài đến 11 năm (1920 – 1931).

Dưới thời Khải Định (1916 – 1925), ngoài lăng này, một loạt công trình kiến trúc khác cũng đã được thực hiện theo một kiểu cách mới, hợp với sở thích của nhà vua: dùng vật liệu bê – tông, trang trí nổi bằng cách ghép mảnh sành sứ và thủy tinh…đó là cung An Định (đặc biệt là nhà hát Cửu Tư Đài), lầu Kiến Trung (trong Tử Cấm Thành), cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, cửa Trường An ở Hoàng Thành … Các công trình ấy, nhất là lăng Khải Định hiện còn hầu như nguyên vẹn, đánh dấu một giai đoạn kiến trúc mới lạ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Lịch sử xây dựng lăng Khải Định

Vào năm 1920, sau khi các thầy địa đi coi đất và chọn địa điểm xong, triều đình huy động nhiều tù nhân và binh lính ở Huế lên làm việc khổ sai tại đó: mở đường, phá núi, làm toại đạo, tạo ra mặt bằng xây dựng ở triền phía tây của một ngọn núi thuộc vùng Châu Chữ. Bấy giờ, vùng núi Châu Chữ, nơi có khe Châu Ê chảy qua, là nơi nước độc, đầy lam sơn chướng khí. Tù nhân, binh lính và thợ thuyền lên làm việc ở đây đã bị bệnh, bị thương và chết khá nhiều. Cho nên, Huế lúc ấy lưu truyền câu ca dao:

Châu Ê ơi hỡi Châu Ê,

Khi đi thì có, khi về thì không.

Triều đình đã đưa tất cả các thợ thủ công có tay nghề cao nhất trong “Nê ngõa tượng cục” (tổ chức của những người thợ xây và làm ngói – chú thích của laque.vn) lên đây làm việc dài hạn. Trong số đó, có một nghệ nhân nổi tiếng nhất về tài trang in bằng cách vẽ những bức họa long vân trên trần và đắp nổi cảnh vật lên tường, là cụ Phan Văn Tánh, về sau được tặng hàm Bát phẩm.

Lăng Khải Định
Bức họa long ẩn vân – cụ Phan Văn Tánh vẽ

Trong lăng Khải Định hiện nay có pho tượng bằng đồng tạo hình nhà vua ngồi trên ngai vàng. Pho tượng ngồi trên ngai được thực hiện ở Paris vào năm 1920, do hai người Pháp là P.Ducuing tạc tượng và F.Barbedienne đúc tượng. Trong lòng tượng rỗng nên không nặng lắm, sau khi chở về đến Huế mới mạ vàng bên ngoài.

lăng Khải Định, lang Khai Dinh
Bức tượng đồng

Để thực hiện các công trình kiến trúc và trang trí tốn kém ở lăng Khải Định, nhà nước bấy giờ đã tăng thuế điền trên toàn quốc lên 30 %. Kinh phí lớn nhất là phải mua vật liệu từ nước ngoài. Sắt, xi – măng, ngói ác – đoa (ardoise) phải mua từ Pháp. Sành ngang chở từ Hà Đông vào, nhưng sành kiểu, sứ tốt, vỏ chai, thủy tinh phải nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản…

Dưới thời Khải Định (1916 – 1925), chủ quyền Việt Nam đã lọt hẳn vào tay thực dân Pháp và văn hóa nghệ thuật phương Tây đang thâm nhập mạnh vào nước ta. Cho nên, ở lăng Khải Định, một số yếu tố hiện đại (éléments modernes) đã chen lấn vào dòng nghệ thuật kiến trúc cổ truyền của dân tộc.

Kiến trúc lăng Khải Định

Thoạt nhìn, lăng Khải Định giống như một tòa lâu đài ở châu Âu, vì được xây dựng bằng bê – tông trên một sườn núi. Các vật liệu truyền thống của bản địa như gỗ, đá, gạch, vôi ở đây chỉ chiếm một số lượng không đáng kể. Những cánh cửa sắt, gạch ca – rô, ngói ác – đoa, cột thu lôi (paratonnerre), hệ thống đèn điện, và những tháp nhọn stoupa cũng là những thứ ngoại lai. Sự loại bỏ màu xanh của lá cây cổ thụ, sự vắng bóng của mặt nước của ao hồ, bể cạn trong lăng, làm cho tổng kiến trúc từ bậc cấp thứ 1 đến bậc 127 thiếu đi vẻ mềm mại, tươi mát. Những con rồng lớn, kệch cỡm tạo thành bậc thềm của 5 tầng sân càng làm tăng vẻ nặng nề cho toàn bộ công trình kiến trúc hình khối bằng bê tông.

Lăng Khải Định
Những con rồng lớn bằng xi măng trên bậc thang vào lăng Khải Định

Tuy nhiên, tất cả núi đồi, khe suối… của cả một vùng rộng lớn xung quanh lăng đều đã được sử dụng làm các yếu tố phong thủy địa lý: tiền án, hậu chẩm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ; tạo ra được cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ.

Nhưng, giá trị nghệ thuật cao nhất của lăng này là phần trang trí nội thất cung điện Thiên Định, công trình kiến ​​trúc chính của lăng.

Về mặt hội họa, ở các mặt tường và trần của Tả và Hữu trực phòng, các nghệ nhân xưa đã dùng màu xanh sẫm vẽ lên xi măng để giả cẩm thạch trông giống như thật. Những bức họa long vân với diện tích hàng chục mét vuông trên trần 3 phòng giữa của cung Thiên Đình được các họa sĩ Việt Nam hiện đại công nhận là những bức họa hoành tráng có giá trị mỹ thuật cao nhất của nền hội họa nước ta.

Lăng Khải Định
Bên trong phòng đặt thi hài nhà vua – thuộc cung Thiên Định

Nghệ thuật nghệ thuật ghép mảnh lên tường, những “bàn tay vàng”, của các nghệ nhân đầu thế kỷ XX đã sử dụng hàng vạn mẫu sành, sứ, thủy tinh đủ màu để đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh cung đình và dân gian sinh động, vui mắt: các bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ khay trà, mâm ngũ quả, ngọn đèn dầu hỏa, những chiếc đồng hồ, mấy cái mề đay, vv .. Mọi hình ảnh tuy được kết cấu bằng những vật liệu cứng, nhưng nhờ sự tạo hình khéo léo, nên trông thanh nhã, mềm mại, óng ả, long lanh.

Lăng Khải Định
Nghệ thuật đắp sành, sứ nổi

Bằng những đường cong uốn lượn mềm mại của chiếc bửu tán che trên ngự tọa, các nghệ nhân bậc thầy của thời ấy đã được tạo ra được cho người xem cái ảo giác nó rất nhẹ nhàng, có thể lay động trước một cơn gió thoảng qua. Ở một số pa-nô thể hiện cây cối, lá hoa, du khách có cảm giác như thấy gió thổi tre nghiêng, mưa rơi liễu rũ…Trong một số ô hộc khác, các thú vật như đang chạy nhảy trên núi đồi, đồng cỏ, những đôi chim như bay lượn, vùng vẫy giữa không gian.

lăng Khải Định, lang Khai Dinh
Bửu tán

Ngoài những chữ “phúc”, ở đây còn trang trí hàng trăm chữ “thọ” và “vạn thọ” được cách điệu bằng cả chục hình thức khác nhau: hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình thuẫn, hình cái lư, hình lồng đèn … Thọ nghĩa là sống lâu, sống mãi, nói lên quan niệm “Sống gửi thác về “của vua nhà Nguyễn. Theo họ, lăng tẩm không phải chỉ là chỗ chôn người chết, mà còn là nơi họ tiếp tục sống muôn thuở ở thế giới bên kia.

Sau lưng ngai vàng vua Khải Định ngồi, còn có mô hình mặt trời đang lặn. Vua cao cả như mặt trời. Mặt trời lặn biểu hiện với nhà vua thăng hà. Với óc thông minh sáng tạo, với tính nhẫn nại cần cù, với bàn tay tài hoa bay bướm, người thợ thủ công Việt Nam thời Khải Định đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền mỹ thuật của đất nước đương thời với nghệ thuật phù điêu bằng sành sứ cực kỳ tinh xảo, vô cùng độc đáo và hết sức hấp dẫn.

Lăng Khải Định
Hình ảnh mặt trời lặn

Với tượng đồng bia đá, với cung Thiên Định giống như một viện bảo tàng, với ngoại cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ, lăng Khải Định là một tác phẩm mỹ thuật tổng hòa của nhiều dòng văn hóa, một điểm giao thoa giữa mỹ thuật kim cổ đông tây. Nó phản ánh rõ nét phong cách sống thích chưng diện của vua Khải Định lúc sinh thời, và đánh dấu giai đoạn giao thời giữa hai nên văn hóa Á – Âu của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ.

Trọng quyển “L’art Vietnamien” (Nghệ thuật Việt Nam), L.Bezacier đã gọi nghệ thuật thời Khải Định là thời “Tân cổ điển” (Néo – classique) trong lịch sử nghệ thuật nước ta. Nó có giá trị đặc biệt và làm phong phú thêm cho nền mỹ thuật nước ta.

Tham khảo: LĂNG TẨM HUẾ – PHAN THUẬN AN

Thông tin du lịch lăng Khải Định

Lăng Khải Định là một trong số những lăng được nhiều du khách chọn làm điểm đến du lịch khi đến Huế. Và thường là điểm đến chính trong các tour du lịch ở Huế

Vì lăng Khải Định khá nhỏ so với các lăng tẩm khác, nên chỉ cần khoảng 45 phút là có thể tham quan hết lăng Khải Định

Giá vé tham quan: 150.000 vnđ (giá vé chính thức)

>>>Tham khảo thêm giá vé tham quan di tích Cố đô Huế năm 2020: Giá vé tham quan Huế – quy định miễn giảm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *