Nếu tìm hiểu lịch sử tên một vài địa danh ở Huế như cửa Đông Ba, cửa Tư Hiền… chúng ta sẽ thấy có sự thay đổi tên gọi do vấn đề “Húy Ky”
Vậy “húy ky” là gì ?. Và Húy ky dưới thời nhà Nguyễn, triều Nguyễn như thế nào ?
Trước tiên xin nói về Húy ky là gì?
Húy là kiêng không nói đến tên của người đã chết.
Húy ky có nghĩa là kiêng tránh.
Thời quân chủ, húy ky là một vấn đề hết sức khắc nghiệt. Chỉ cần hiểu 1 cách đơn giản: húy ky là tránh nói, tránh viết tên vua, tên cha mẹ, ông bà nhà vua. Các sỹ tử đi thi phải nhớ hết những tên cần phải tránh để khỏi phạm trường quy (luật lệ ở trong trường thi). Nếu phạm nhẹ bị đánh rớt, bị đánh đòn, phạm nặng có thể bị tù.
Chuyện phạm trường quy là chuyện lịch sử dành cho các nhà nghiên cứu. Ở đây chỉ đề cập đến những gì còn tồn tại trong đời sống dân chúng, trong sử sách đang lưu hành mà thôi.
Chẳng hạn vì tránh tên Cam của ông triệu tổ dòng họ Nguyễn nên phải đọc tên ông Nguyễn Cam là Nguyễn Kim.
Vì tránh tên Hoàng của chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) mà họ Hoàng phải đổi thành họ Huỳnh. Tránh tên Nguyên (tên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) nên phải đổi là Ngươn.
Tránh đọc Anh hay Ánh, tên vua Gia Long, nên đọc thành yên (yên em thay vì anh em) hay yến. Vì kỵ chữ Đảm tên vua Minh Mạng phải đọc là Đởm; hoặc chữ Hoa (bà Hồ Thị Hoa mẹ vua Thiệu Trị) thành Huê, Ba hay Bông (cửa Đông Hoa thành cửa Đông Ba, cầu Hoa thành cầu Bông); cũng như vậy chữ Thật thành Thực, Miên thành Mân, Tự thành Tợ, Hương thành Nhang, Hồng thành Hường, Nhậm thành Nhiệm, Hoàn thành Hườn, Mạng thành Mệnh.
Tên Niên hiệu các vua dùng để viết, để đọc nhưng dân chúng vì sợ húy ky cũng kiêng luôn như chữ kim long (tránh âm Long của niên hiệu Gia Long) đọc thành Kim Luông, sông Hàm Long thành sông Hàm Luông.
Cửa Tư Hiền ngày nay, thời Lý có tên Ô Long, đời Trần thấy Ô Long còn hơi hám Chăm nên đổi lại thành Tư Dung, Qua đời Mạc, tránh tên Mạc Đăng Dung nên đổi thành Tư Khách. Đời Lê trung hưng lấy lại Tư Dung. Dân gian lại đặt thêm tên riêng là Cửa Ông, Cửa Bạn. Thời nhà Nguyễn, chữ Dung là tên húy của vua Thiệu Trị nên đổi một lần nữa thành Tư Hiền. Tên Tư Hiền đã được dân chúng chấp nhận hơn một thế kỷ rưỡi qua.
Chuyện tránh nói, viết tên vua đã ăn sâu vào nếp nghĩ của dân chúng. Ngày xưa người Việt Nam còn tránh tên của cha mẹ, tránh tên của cả những người mình kính trọng. Thậm chí tên hàng xóm láng giềng chứ không riêng gì những tên có liên quan đến các đời vua. Người Miền Nam thời Nguyễn không nói duyệt võ, duyệt binh mà nói là dợt binh, dợt võ vì tránh tên Ông tả quân Lê Văn Duyệt, không nói cây cảnh mà nói cây kiểng vì tránh tên Ông Nguyễn Hữu Cảnh, không nói Cần Đức mà nói Cần Đước vì tránh tên Ông Nguyễn Huỳnh Đức. Bạn muốn biết kỹ hơn của húy ky của địa danh ở Thừa Thiên Huế và trên toàn quốc phải thay đổi như thế nào xin đọc bài Quốc húy của Triều Nguyễn của Tạ Quang Phát đăng trong Việt nam khảo cổ học tập 4. (SG1966) và các sách Esquisse sur les interdits chezles Vietnamiens của Nguyễn Thẩm (Bộ QGGD SG 1965), Chữ húy Việt Nam qua các Triều đại của Ngô Đức Thọ (NXB Văn hóa 1997).
Tham khảo: Nguyễn Đắc Xuân – 700 năm, THUẬN HÓA – PHÚ XUÂN – HUẾ
Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế