Lăng Cơ Thánh – Vì sao được gọi là lăng Sọ ?

lăng cơ thánh. lăng sọ

Bên con đường dọc bờ nam sông Hương thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, cách cầu Trường Tiền hơn 8km về phía tây nam có một ngôi lăng mà người dân thường gọi là lăng Sọ. Vì sao có tên là lăng Sọ?

Lăng Sọ có tên chữ là lăng Cơ Thánh táng cái sọ dừa của ông Nguyễn Phúc luân (1733-1765) thân sinh của vua Gia Long.

>>> Xem thêm: Lăng các vị vua Triều Nguyễn

Lịch sử lăng Cơ Thánh

Nói đến sự tích lăng Sọ đã nhắc đến một trang sử buồn cuối thế kỷ XVIII. Ông Nguyễn Phúc Luân là con trai thứ của chúa Võ vương Nguyễn Phúc Hoạt (1714-1765), được Võ vương đào tạo để nối nghiệp chúa.

Nhưng sau khi Võ vương qua đời, Trương Phúc Loan chuyên quyền, tống Nguyễn Phúc Luân vào ngục và đưa cậu bé 12 tuổi Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi làm bù nhìn để y dễ dàng thâu tóm hoàn toàn quyền binh vào tay mình. Nguyễn Phúc Luân đau buồn nằm trong ngục mà chết, mộ táng tại triền núi Cư Chánh, mặt trước nhìn ra sông Hương. Năm 1790, theo chỉ dẫn của thuật phong thủy, trong đợt triệt phá trù yểm mồ mã dòng họ Nguyễn, quân Tây Sơn đã quật mổ Nguyễn Phúc Luân, lấy xương cốt ném xuống sông Hương. Nguyễn Ngọc Huyến – một người dân địa phương thấy thế đêm đến lén vớt sọ dừa của Nguyễn Phúc Luân chôn vào một nơi bí mật.

Đến năm 1802, Nguyễn Ánh, con của Nguyễn Phúc Luân – khôi phục lại Phú Xuân, lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Gia Long. Nguyễn Ngọc Huyến đến bái yết và chỉ chỗ đã chôn cái sọ dừa của thân sinh nhà vua. Vua Gia Long mừng rỡ, cho người đào lên xem và cắt máu ở tay mình nhỏ vào sọ, thì thấy sọ hút hết máu. Vua Gia Long tin đó là sọ dừa của cha mình bèn ban thưởng cho Nguyễn Ngọc Huyến. Và cho xây lăng Cơ Thánh ở chỗ huyệt mộ cũ để táng cái sọ dừa. Vì thế nhân dân thường gọi lăng Cơ Thánh là lăng Sọ.

Toàn cảnh lăng Cơ Thánh

Kiến trúc, không gian lăng Cơ Thánh

Lăng Cơ Thánh gồm ba hình gần vuông, mỗi cạnh dài khoảng trên 30m, xếp theo thứ tự từ bờ sông Hương vào đến triền núi Cư Chánh. Hình vuông thứ nhất là sân cỏ, hình vuông thứ hai là bái đình cao hơn sân cỏ bảy bậc cấp, hình vuông thứ ba lấn sâu vào triền núi, có thành bao bọc, chính giữa sân là mộ táng di cốt của Nguyễn Phúc Luân gồm có 3 bậc dưới bóng một bức bình phong lớn. Bức thành phía trước trổ cửa lớn hình vòm, với hai cánh cửa bằng đồng rất vững chắc. Như thường lệ, bên trong cửa là một bức bình phong đắp nổi hình rồng. Lăng Cơ Thánh không có tả hữu tùng viện và không có điện thờ như các lăng khác.

Lăng Cơ Thánh – Phần mộ táng

So với các lăng vua Nguyễn, lăng Cơ Thánh có kích thước nhỏ nhất, không có mấy giá trị về nghệ thuật nhưng sự hiện hữu của ngôi lăng này nhắc nhở một trang sử ảm đảm của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII mà nhiều sử gia chưa động bút.

Tham khảo: Nguyễn Đắc Xuân – 700 năm, THUẬN HÓA – PHÚ XUÂN – HUẾ

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế tại đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *