Nội dung
Được xây dựng vào năm 1804 bên trong Hoàng thành Huế, cung Diên Thọ là nơi dành cho bà Hoàng Thái hậu (mẹ vua) ăn ở. Đây là một tổ hợp kiến trúc gồm Diên Thọ chính diện nằm ở vị trí trung tâm và hơn 10 công trình kiến trúc phụ thuộc quây quần ở chung quanh như điện Thọ Ninh, Tạ Trường Du, nhà Tả Trà, am Phước Thọ, lầu Tịnh Minh, kho Thọ Chỉ, nhà cửa của kẻ hầu người hạ…Tất cả nằm trong một khuôn viên hình chữ nhật 124,4m x 138,5m, được bao bọc bởi một vòng tường thành cao quá đầu người. Dưới đây chỉ giới thiệu 5 tòa nhà quan trọng nhất trong phạm vi cung này.
1. Diên Thọ chính điện
Tòa nhà lớn nhất trong cung, diện tích mặt bằng 950m2, làm theo kiểu trùng lương trùng thiềm, 7 gian 2 chái. Hệ vì kèo tiền doanh và trần thừa lưu được chạm trổ tỉ mỉ và thanh nhã. Ở chính doanh, 4 gian 2 bên được ngăn riêng để làm buồng kín dùng cho việc ăn ngủ của bà Hoàng Thái hậu. Ba gian giữa có kê bục gỗ (rầm hạ) là nơi bà tiếp khách. Tòa nhà hơi thấp, mặc dù chung quanh có lắp hệ thống cửa kính, nhưng vẫn không cung cấp đủ ánh sáng tự nhiên cho nội thất. Đã thế, toàn bộ tuồng gỗ trong nhà lại sơn màu đen sẫm, cho nên không khí khá u trầm.
Ở nội thất treo tấm hoành phi rất lớn đề 3 chữ đại tự “Diên Thọ Cung”, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Hai lạc khoản cho biết tòa đại điện này đã được cải chế và trùng tu vào những năm 1916 và 1917.
Từ đầu thế kỷ XIX cho đến bây giờ, tổng thể cung điện này đã mang những tên khác nhau: cung Trường Thọ (thời vua Gia Long), cung Từ Thọ (thời vua Minh Mạng), cung Gia Thọ (thời vua Tự Đức), cung Ninh Thọ (thời vua Thành Thái) và cung Diên Thọ (thời vua Khải Định). Vua nào cũng dùng chữ “Thọ” với mong ước mẹ mình được sống lâu.
Diên Thọ chính điện đã được trùng tu rất nhiều lần mà gần đây nhất là vào 2 năm 1997-1998.
2. Điện Thọ Ninh
Nằm cách tòa nhà nói trên bằng một cái sân rộng khoảng 20m về phía Bắc, điện Thọ Ninh là nơi ăn ở của bà Hoàng Thái Hậu thứ 2. Công trình kiến trúc này tương đối đơn giản, nhưng được xây dựng trên một cái nền cao hơn, cho nên trông có vẻ thoáng mát. Hai tòa nhà ấy thông thương với nhau bằng những dãy hành lang có mái che ở 2 bên sân.
Nguyên điện Thọ Ninh có 7 gian 2 chái, nhưng trong lần cải tạo vào năm 1930, nó chỉ còn 3 gian 2 chái mà thôi. Tòa nhà này đã bị hư hỏng nặng từ lâu và được bắt đầu trùng tu vào năm 2012.
3. Tạ Trường Du
Nằm bên phía trái của Diên Thọ chính điện, Tạ Trường Du được xây dựng vào năm 1849. Ngôi nhà thủy tạ này được dựng trên mặt nước của một cái hồ xây khá rộng hình chữ nhật 19,6m x 27,7m. Tạ nằm sát bờ bắc của hồ và quay mặt về hướng nam như hướng chính của tổng thể cung. Diện tích ngôi nhà chỉ bằng khoảng nửa kích thước mặt hồ. Nối liền vào mặt trước của tạ là một nhà vỏ cua mang tên “Lương Phong Đình”. Ở nội thất nhà tạ trang trí cá pa nô và các ô hộc được chạm trổ rất tinh xảo. Nền lát gạch hoa. Vách dựng ván gỗ và trổ nhiều cửa sổ. Chung quanh nhà tạ có xây dựng lan can ôm kín một lối đi hẹp dùng để dạo chơi. Trên nóc nhà chắp thiên hồ bằng pháp lam. Ở các bờ nóc và bờ quyết chắp hình cá chép và kỳ lân bằng đất nung tráng men xanh lục. Hai bên hồ, phía trước mặt tạ, đắp 2 hòn non bộ khá lớn, tạo nên những hữu cảnh sơn thủy hữu tình.
Tạ Trường Du là một công trình kiến trúc xinh xắn, một thắng cảnh nhân tạo thu nhỏ để cho bà Hoàng Thái Hậu ra hóng mát, hưởng thú tiêu dao.
4. Am Phước Thọ
Còn được gọi là Khương Ninh Các, vì nó có 2 tầng. Nằm ở bên phải của Diên Thọ chính điện, tòa nhà này có 3 gian, quay mặt về hướng tây. Ở tầng trên, gian giữa thờ Phật, 2 gian 2 bên thờ Quan Công và các vị thánh thần khác. Ở phần sau gác, thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na cùng một số vong linh trong hoàng tộc đã qui y lúc sinh thời. Đặc biệt, tại đây còn thờ tượng của 2 ông “làng” thuộc ngành hát bội. Chung quanh gác có làm hệ thống lan can bằng gỗ. Ở mặt trước, 2 bên xây dựng lầu chuông và trống.
Ở tầng trệt, chỉ thiết trí một bàn thờ ở gian giữa, còn 2 gian kia dùng làm phòng cho các bà sư ăn ở. Trước sân xây bể cạn, giữa bể đắp non bộ và trồng cây cảnh. Trong sân có 6 cái am nhỏ thờ các vong linh và thần thánh, thường gọi là Am ngoại cảnh. Hai bên xây tường cao để ngăn cách với những sinh hoạt trần thế ở các tòa nhà lân cận.
5. Lầu Tịnh Minh
Ngày xưa, ở 2 bên sân trước Diên Thọ chính điện có 2 ngôi nhà nằm đối xứng nhau. Bên trái là nhà Tả Trà, bên phải là Thông Minh Đường. Đến năm 1927, Thông Minh Đường được thay thế bằng một tòa nhà lầu 2 tầng theo lối kiến trúc hiện đại (bê tông cốt thép). Nội thất chia ra nhiều phòng: phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ…Các phòng đều lắp đặt đèn điện, quạt trần, la va bô…Sát bên trái tầng trệt xây thêm nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp kiểu Tây.
Nhìn chung, các tòa nhà trong phạm vi cung Diên Thọ đều được một hệ thống hành lang có mái che nối lại với nhau và nối liền với hệ thống trường lang chạy qua đến điện Càn Thành là nơi vua ăn ở. Hàng ngày hoặc 2 ngày một lần, vua đị bộ theo hệ thống trường lang nay qua cung Diên Thọ để “thỉnh an” Hoàng Thái Hậu.
Sau khi bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, hầu hết các công trình kiến trúc thuộc cung Diên Thọ, kể cả sân vườn và các cửa chính phụ đều đã được trùng tu trong những năm vừa qua và đã đưa vào phục vụ tham quan du lịch.
Hầu hết các công trình kiến trúc ở đây đều được trang trí hình ảnh chim phụng hoàng, vì nó tượng trưng cho phái nữ.
Cung Diên Thọ là hệ thống kiến trúc cung điện qui củ còn lại tương đối nguyên vẹn nhất trong Hoàng Thành Huế. Nó cho thấy cụ thể nếp ăn ở, sinh hoạt của bà mẹ vua dưới thời quân chủ nhà Nguyễn.
Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện
Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế