Cung Trường Sanh – Nơi hưởng thú tiêu dao của các bà Hoàng nhà Nguyễn

cung Trường Sanh, cung truong sanh, du lịch Huế, khám phá Huế

Tọa lạc bên trong góc tây bắc của Hoàng thành Huế, cung Trường Sanh đã được xây dựng vào năm 1822, dùng làm nơi hưởng thú tiêu dao cho các bà Hoàng Thái Hậu (mẹ vua) và Thái Hoàng Thái Hậu (bà nội vua) đầu tiên của triều Nguyễn. Nhưng về sau, vì gặp phải những hoàn cảnh lịch sử bất thường của triều đại, nó trở thành nơi ăn ở của một số bà Hoàng ấy luôn.

Nằm sát sau lưng cung Diên Thọ và ven bờ nam hồ Nội Kim Thủy, khuôn viên cung Trường Sanh là một hình chữ nhật dài 126m, rộng 85m, chung quanh xây tường gạch để bao bọc, trong đó có khoảng 10 công trình kiến trúc chính và phụ.

Về lịch sử xây dựng, diện mạo kiến trúc và chức năng sử dụng của cung Trường Sanh tư năm 1822 đến năm 1945 dưới triều Nguyễn, có thể chia thành 5 giai đoạn:

1. Cung Trường Sanh dưới thời Minh Mạng (1820-1840)

Thân mẫu của vua Minh Mạng là bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Khi vua lên ngôi thì bà Hoàng ấy ăn ở tại cung Diên Thọ. Năm 1822, vua cho xây dựng bên cạnh cung này một biệt cung nữa theo dạng hoa viên để thỉnh thoảng bà qua đây thưởng ngoạn thắng cảnh và nghỉ ngơi tiêu khiển để kéo dài tuổi thọ. Bởi thế sau khi xây dựng xong vào năm 1823, nó được đặt tên là cung Trường Ninh (yên ổn lâu dài). Bấy giờ, trong khuôn viên của cung có điện chính, lầu sau, nhà Xuyên Đường, nhà Di Chí, lầu Vọng Hồ, nhà Tuy An, cửa cung Trường Ninh, cửa Thụy Môn, tường thành, hồ ao, cầu gỗ, núi đá…Và gần bên ngoài cung còn xây dựng đình Hồ Tâm ở hồ Nội Kim Thủy.

2. Cung Trường Sanh dưới thời Thiệu Trị (1841 – 1847)

Vào năm 1845, hoàng gia có được một niềm vui lớn lao đặc biệt. Vua Thiệu Trị có cháu đích tôn. Con của nhà vua là Hồng Bảo, sinh ra Ưng Đạo (còn có tên là Phúc). Nhà vua là cháu đích tôn của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu. Bấy giờ bà vẫn còn sống. Sự kiện quí hiếm này được gọi là NGŨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG (5 đời cùng sống trong một nhà). Để kỷ niệm sự vui mừng lớn lao ấy, vua Thiệu Trị đã cho trùng tu, tôn tạo, xây  dựng thêm và đặt tên mới cho một số công trình kiến trúc thuộc hệ thống cung điện này. Từ đó, tòa nhà chính trong cung được đặt tên là NGŨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG, gồm phía trước là nhà Ngũ Đại, giữa là điện Thọ Khang, phía sau là lầu Vạn Phúc, nền nối liền nhau với hành lang dài chạy thông ở giữa từ trước đến sau, tạo thành hình chữ vương. Phía trước là cửa phường môn, chung quanh có đá Kình Ngư, núi Hổ Tôn, lạch Đào Nguyên với những chiếc cầu xinh xắn bắt qua lạch…

Vua Thiệu Trị đã chọn khu kiến trúc cảnh quan này làm một trong 20 cảnh đẹp nhất của đất Thần kinh vầ đã làm bài thơ “Trường Ninh thủy điếu” (buông câu ở cung Trường Ninh) để ca ngợi.

3. Cung Trường Sanh dưới thời Đồng Khánh (1886-1888)

Trong vụ thất thủ Kinh đô (1885), cả ba bà Hoàng (Tam Cung) là Từ Dũ, Lệ Thiên và Học Phi đều bôn tẩu theo vua Hàm Nghi. Sau khi họ trở về Huế, vào tháng 1-1886, vua Đồng Khánh cho sửa sang cung Trường Ninh để bà Lệ Thiên ăn ở. Đây cũng là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng thay đổi chức năng của cung này: dùng để ăn ở.

4. Cung Trường Sanh dưới thời Duy Tân (1907-1916)

Từ khi vua Duy Tân lên ngôi vua, thay Thành Thái bị người Pháp đưa vào an trí tại Vũng Tàu, hai bà Hoàng Thái Hậu Nguyễn Gia Thị Anh và Nguyễn Thị Định đều ăn ở tại 2 ngôi điện gần nhau trong cung Diên Thọ. Đó là Diên Thọ chính điện và điện Thọ Ninh, chỉ cách nhau một cái sân. Nhưng, vào khoảng năm 1910, sự xích mích vốn có từ trước giữa hai bà đã bị vỡ ra thành lời qua tiếng lại. Viện Cơ Mật đã quyết định trích một số tiền giao cho bộ Công huy động lính và thợ cải tạo cung Trường Ninh để bà Nguyễn Thị Định (mẹ đẻ vua Duy Tân) qua ở nhằm tạo ra khoảng cách giữa hai bà.

5. Cung Trường Sanh dưới thời Khải Định (1916-1925)

Đây là thời kỳ bà Tiên Cung Dương Thị Thục (1868-1944) ăn ở tại cung này. Trong đó, đáng quan tâm nhất là vào năm 1923, để đón mừng cuộc lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của vua Khải Định vào năm sau, cung Trường Ninh lại được cải tạo một lần nữa và đổi tên là cung Trường Sanh (nghĩa sống lâu dài).

Dù cung Trường Sanh may mắn không bị chiến tranh tàn phá, nhưng sau hơn 80 năm bị thời tiết khắc nghiệt và bàn tay con người tàn phá, diện mạo của cung Trường Sanh đã trở nên tiều tụy.

Cho nên, tổng thể kiến trúc cảnh quan cung Trường Sanh đã được trùng tu và phục hồi từ năm 2006 đến năm 2010 với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng.

Mặc dù chỉ trùng tu và phục hồi theo diện mạo thời Khải Định và Bảo Đại, nhưng sau khi công việc bảo tồn ấy được thực hiện xong , cung Trường Sanh đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn trong Hoàng thành Huế

Thông tin du lịch cung Trường Sanh

Vì các tour du lịch tham quan Đại Nội Huế có thời gian khá hạn chế, nên du khách ít được dẫn vào tham quan khu này. Nếu tự túc khám phá Đại Nội thì bạn nên ghé vào tham quan nhé, khuôn viên khá rộng, phong cảnh rất đẹp.

cung Trường Sanh, cung truong sanh, du lịch Huế, khám phá Huế
Cung Trường Sanh hiện nay

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *