Nội dung
Trong văn hóa ẩm thực cung đình Huế, nem công chả phượng là món ăn tượng trưng cho sự tao nhã, cách làm đòi hỏi sự phức tạp, tỉ mỉ. Bên cạnh đó, nó còn được coi là món ăn đứng đầu bát trân trong bữa ăn. Tại sao bạn lại không thử làm món ăn bắt mắt này trong các dịp lễ của gia đình? Nó sẽ là món ăn giúp bạn ghi điểm với mọi người. Đầy đủ các bước làm món nem công chả phượng sẽ có trong bài viết dưới đây.
Nguồn gốc nem công chả phượng?
Nem công chả phượng tượng trưng của sự sự tao nhã trong ẩm thực cung đình Huế. Món ăn được trang trí từ nhiều màu sắc khác nhau và làm theo hình dáng của chim công và chim phượng.
Đầu chim phượng sẽ được làm từ củ cải, mào làm từ cà rốt, mỏ chim làm bằng ớt đỏ và phần thân tạo hình từ những thực phẩm trang trí rất bắt mắt. Lọn nem (tức là các phần tạo ra thân công) được chế biến, tẩm ướp gia vị từ thịt thăn heo.
Nem công chả phượng được xếp là món ăn đứng đầu hàng bát trân (bao gồm yến sào, vi cá mập, nem công chả phượng…).
Giai thoại về nguồn gốc của nem công chả phượng tại Việt Nam vẫn gây nhiều tranh cãi. Bởi nhiều ý kiến cho rằng, món ăn cao sang trong ẩm thực cung đình Việt Nam xuất hiện từ thời nhà Nguyễn. Có thể đã sao chép từ món ăn của ẩm thực Trung Hoa, và được cách tân.
Tại sao gọi là nem công chả phượng?
Từ thời xưa, nem công chả phượng đều được làm từ thịt công và chim phượng như đúng tên gọi của nó. Tuy nhiên ngày nay, công và phượng là hai loài chim cực quý hiếm. Việc săn bắn chúng để làm món ăn là phạm pháp. Vì thế mà để tái hiện lại món nem công chả phượng xưa, người ta làm chúng theo kiểu cách vua chúa. Bên cạnh đó vừa đảm bảo độ ngon, vừa có tác dụng trị nhiều bệnh.
Thời Vua chúa, món ăn vương giả này truyền từ cung đình nội phủ lan tỏa đến các bếp của các quan lại, dân giàu có ở kinh đô. Món ăn này còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã được gìn giữ qua bao thế hệ.
Nem công là món ăn đặc sản của các vùng, chế biến không cần nấu nướng. Thực phẩm tự chín trong quá trình lên men vi sinh nhờ các gia vị có tính nóng (như riềng, tiêu, tỏi…) kết hợp với nguyên liệu chính là thịt đùi của chim công được giã mịn.
Có thể bạn chưa biết, thịt công có tính giải độc. Khi hấp thụ vào máu có khả năng giải độc tố. Đây là yếu tố quan trọng nhất để hiểu vì sao nem công lại là món ăn quý.
Ở Việt Nam, chim phượng là đực, chim cái là hoàng (phượng hoàng). Loài chim này chuyên sống ở núi cao, hiếm thấy. Thịt phượng cũng được giã mịn, nêm gia vị đầy đủ, gói vào lá chuối kín rồi hấp chín. Tương tự như công, thịt chim phượng vừa giàu dinh dưỡng, vừa có dược tính bảo vệ sức khỏe.
Cách làm món nem công chả phượng cho các ngày lễ Tết
Nem công chả phượng, cặp đôi luôn trưng bày trên các bàn tiệc lớn của vua chúa ngày xưa. Nếu ở thời ấy, đây là món ăn tiến vua cầu kì, không dễ làm và cũng không dễ để được thưởng thức. Thì ngày nay, nem công chả phụng là món ăn được xuất hiện nhiều trong các bữa tiệc gia đình. Đặc biệt là trong những ngày lễ tết sum vầy cùng ông bà, con cháu. Nhìn vẻ ngoài chắc chắn mọi người sẽ nghĩ khó làm, nhưng khi bắt tay vào thì cũng không quá khó như tưởng tượng.
Nguyên liệu chuẩn bị
Nem công
- 100gr: Tôm băm nhuyễn
- 100gr: Thịt nạc băm nhuyễn
- 5 miếng: Nấm hương + nấm mèo
- 10gr: Bún gạo khô
- 1 quả trứng gà
- 1 gói bánh tráng rế
- Gia vị nêm nếm: hành tím, tỏi băm, muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn, tiêu.
Chả phượng:
- 4 – 5 quả trứng gà
- 500gr: Giò sống
- 1 muỗng cà phê bột năng hòa tan với nước
- 1 củ cà rốt
- 200gr: Đậu cove
- 4 – 5 lá rong biển khô
Nguyên liệu trang trí:
- 2 củ cà rốt
- ½ trái dứa
- Dụng cụ tỉa đơn giản
Cách làm
Nem công chả phượng – mỗi thứ đều có cách làm khác nhau, bạn cần sự khéo léo trong món ăn này. Cách làm được thực hiện qua các bước chi tiết dưới đây:
Làm nem công
- Bước 1: Nấm mèo, nấm hương khô rửa sạch, bỏ ngâm trong nước ấm khoảng 5 – 10 phút đến khi nấm nở và mềm thì vớt ra. Đợi nấm ráo nước, băm nhuyễn hai loại rồi trộn đều với nhau. Bún gạo khô cũng ngâm nở với nước và băm nhuyễn.
- Bước 2: Tôm và thịt băm nhuyễn trộn đều với nấm mèo, nấm hương và bún gạo khô. Sau đó, cho vào hỗn hợp muối, đường, bột ngọt, hạt nêm, tiêu và ướp trong khoảng 30 phút để nguyên liệu thấm đều gia vị. Sau đó, cho 1 quả trứng gà vào, đánh tan đều trong hỗn hợp trên.
- Bước 3: Trải bánh tráng rế ra và bỏ vào 1,5 muỗng cà phê hỗn hợp nhân vừa trộn vào gói (Nếu không dùng bánh tráng rế, bạn có thể chọn bánh tráng bía để cuốn).
- Bước 4: Chuẩn bị một chảo dầu bắc lên bếp, để dầu nóng, sôi thì hạ lửa nhỏ. Đợi khoảng 30s thì cho các cuốn chả giò vừa chuẩn bị vào chiên. Đảo liên tục đến khi vàng giòn rồi vớt ra để ráo dầu.
Làm chả phượng
- Bước 1: Trứng gà bỏ vào một ít muối, rồi đánh tan. Sau đó cho lên chảo tráng thành từng lớp mỏng.
- Bước 2: Giò sống nêm và trộn đều với muối, tiêu, đường, hạt nêm, ướp trong vòng 30 phút.
- Bước 3: Cà rốt, đậu ve rửa sạch rồi luộc chín sơ. Với cà rốt thì cắt thành các thanh dài, độ dày khoảng 1 – 2cm.
- Bước 4: Trải trứng ra dĩa, quết 1 lớp giò sống mỏng đã ướp rồi cho 1 lá rong biển khô lên trên. Rồi thêm 1 phần giò nữa lên giữa lá rong biển, dày khoảng 2 cm và ngang khoảng 2 cm. Cho thêm đậu ve và cà rốt lên. Cuối cùng, gấp đôi miếng trứng lại và làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu.
- Bước 5: Cho tất cả cuộn đã làm vào lò hấp chín, rồi cắt chả thành từng miếng dày tầm 1cm để chuẩn bị cho việc trang trí.
- Bước 6: Cuối cùng bạn cần thêm chút khéo tay để cắt tỉa phần đầu công và đầu phượng.
Hy vọng với những chia sẻ về cách làm món nem công chả phượng trên bạn có thể thực hiện thành công. Giờ đây, những mâm cỗ linh đình ngày tết sẽ trở nên bắt mắt hơn nhờ món ăn này. Cùng thưởng thức bữa ăn ngon cùng với gia đình và những người thân yêu của bạn.