Tìm hiểu về đặc điểm áo ngũ thân – Nét đẹp xứ Huế 

Áo ngũ thân theo dòng thời gian

Một trong những nét đẹp khi đến Huế mà bạn có lẽ sẽ thường thấy nhất đó là hình ảnh nhiều người mặc cổ phục và chụp ảnh trên các cung đường. Áo ngũ thân (áo ngũ thể) là một loại Cổ phục đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Hãy cùng Lá quê theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu áo dài ngũ thân là gì? Các loại áo dài ngũ thể và các giá trị mà chiếc áo dài này mang lại vẫn còn gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Đừng bỏ lỡ nhé!

Áo Nhật Bình – Nguồn gốc, đặc điểm và các thông tin thú vị khác
Áo dài Huế – Nét đẹp truyền thống trường tồn của cố đô xứ Huế

Áo ngũ thân là gì?

Áo ngũ thân hay áo dài ngũ thân là một loại trang phục truyền thống của Việt Nam. Ra đời vào năm 1744, sau cuộc cải cách trang phục Đàng Trong của chúa Nguyễn. Áo ngũ thể Nam có cổ cao, vuông và thẳng tượng trưng cho sự chính trực của đấng nam nhi. Áo có 5 nút và nút áo thường được làm bằng gỗ/ngọc/kim loại. Tà áo không phải bó sát vào người mà khá rộng, chân/đuôi tà (tức là cuối tà) cong. Đường cong hướng lên trên hệt như miệng cười. 

Áo dài ngũ thân gồm có hai loại chính đó là áo ngũ thân tay chẽn và áo ngũ thân tay thụng.

Áo ngũ thân tay chẽn: Được may với phần áo bó, ôm vào tay người mặc.

Áo ngũ thân tay thụng: Hay còn gọi là áo tấc, loại áo này có phần tay được may rộng tầm 20cm đến 30cm tùy vào từng người mặc. Tay áo thụng vuông góc với thân áo và có chiều dài bằng hoặc là dài hơn tà áo. 

Cho đến nay, chiếc áo đã trải qua rất nhiều năm phát triển và không phân biệt tầng lớp, độ tuổi, giới tính. 

Áo ngũ thân là gì
Áo ngũ thân  (Nguồn:ST)

Đặc điểm của áo ngũ thân

Áo ngũ thân còn có một tên gọi đặc biệt khác là áo ngũ thể. Chiếc áo có ý nghĩa tương truyền là năm thân áo tượng trưng cho những lý tưởng cao đẹp của người xưa hướng đến. Cụ thể là:

Bốn thân áo của vạt trước và vạt sau có ý nghĩa tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”. Thân trong thì tượng trưng cho chính người mặc. 

Áo ngũ thể có 5 nút. Nó thể hiện cho ngũ thường với nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Cũng có ý nghĩa tượng trưng cho ngũ luân là quân thần: vua – tôi, phụ tử: cha – con, phu phụ: chồng – vợ, huynh đệ: anh – em, bằng hữu: bạn bè. Khi diện áo ngũ thân lên người chính là đang mang trên mình đạo làm người. Chính vì thế mà không được làm trái luân thường đạo lý. 

Áo ngũ thể nam và nữ có gì khác nhau? 

Áo ngũ thể cho nam và nữ nhìn chung thì khá giống nhau. Nó chỉ khác ở một số đặc điểm ở cổ áo, ống tay, vạt áo.

Cổ áo của nam sẽ cao hơn cổ áo của nữ, ống tay của nam rộng hơn ống tay của nữ. Vạt áo nam dài hơn vạt áo của nữ. Áo của nam và áo của nữ đều có 5 cúc giống nhau. Hàng cúc được đặt chạy theo vạt bên trái, phía trước xuống tới eo. 

Áo ngũ thể thường sẽ được may với hai lớp. Đó là gồm lớp bên ngoài và lớp lót phía bên trong. Điều này đem lại sự thoải mái, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo cho người mặc. Kiểu dáng và kết cấu của áo tạo nên cho người đàn ông một phong thái oai phong, đĩnh đạc. Áo ngũ thân giúp cho nữ có thể che khuyết điểm cơ thể, tôn dáng người mạnh mẽ, khỏe khoắn. 

Áo ngũ thể nam và nữ có gì khác nhau
Áo ngũ thể nam và nữ có gì khác nhau (Nguồn:ST)

Giá trị của Áo ngũ thể

Khi mặc áo ngũ thể thì sẽ toát lên được sự khiêm nhường, kín đáo. Giá trị của cổ phục ngũ thể còn thể hiện trên kỹ thuật may, ghép hoa văn thật khớp. Từng đường kim mũi chỉ đều tăm tắp. Có nhiều chỗ còn được may theo kiểu giấu kín, không để lộ các đường chỉ khâu. Đường tà áo lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung uyển chuyển rất sống động. Trong tất cả các công đoạn may áo dài thì khâu định hình tà áo được đánh giá là khó, phức tạp nhất. Vẻ đẹp tổng thể của chiếc áo dài cơ bản sẽ do công đoạn này quyết định. 

Với nhiều giá trị như thế, tuy nhiên thì trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử cũng như sự cải tiến trong thời trang hiện đại. Áo ngũ thân giờ đây dần mờ nhạt và trở nên ít thịnh hành. Nó chỉ thường xuất hiện ở Huế vì chỉ có ở đây mới còn giữ được một số nghệ nhân, thợ may còn biết cách may áo dài ngũ thân. 

Áo ngũ thân theo dòng thời gian

Giờ đây, áo ngũ thể không còn xuất hiện nhiều như trước. Thường thì bạn chỉ thấy hình ảnh của chiếc áo dài này trong các lễ hội hoặc bạn đi du lịch Huế thì sẽ hay thấy người ta mặc chụp hình. Tuy nhiên, các bạn trẻ giờ đây có xu thế là mặc cổ phục Việt trong nhiều dịp đặc biệt như đám cưới, sinh nhật,… Để tạo nên một album ảnh vô cùng đặc sắc. Đây cũng là một cách gìn giữ và phát huy nền văn hóa của dân tộc. 

Áo ngũ thể theo dòng thời gian
Áo ngũ thể theo dòng thời gian (Nguồn:ST)

Khi bạn đi du lịch đến Huế thì có thể thuê áo ngũ thân tại một số địa điểm gần cung thành Huế để có một trải nghiệm thú vị và có nhiều bức hình thật đẹp. Chỉ cần bạn khoác lên mình chiếc áo dài ngũ thể hòa cùng sự thơ mộng vốn có của xứ Huế. Chúng tôi chắc chắn bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt vời. Bởi lẽ bạn không chỉ có hình đẹp mà cũng đang góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa nước nhà. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *