Như mọi triều đại phong kiến, triều Nguyễn ở Huế cũng tuyển chọn thái giám để giám sát đội ngũ phi tần, cung nữ, hoàng hậu, công chúa. Những người nam giới phục vụ trong cung phải chấp nhận thân phận “Không đàn ông cũng chẳng đàn bà”. Cuộc đời của họ ra sao rất ít người biết đến. Đó là những mảnh đời thầm lặng và cam chịu! Nhưng nếu không có họ, lịch sử đã không có những câu chuyện hay thú vị để hôm nay, kể về họ và nhớ về một thời đã qua trong vàng son cung đình triều Nguyễn xưa kia. Phải chăng đó cũng là một phần của lịch sử
Thái giám, họ là ai, cuộc sống và công việc của họ như thế nào ?
Việc tuyển chọn thái giám vào cung chủ yếu từ hai nguồn. Một là những cậu bé sinh ra đã không có bộ phận sinh dục nam giới (thái giám tự nhiên). Làng nào có cậu bé như vậy được xem như một điểm tốt, dành để tiến cử cho vua và cả làng đó sẽ được bổng lộc vua ban.
Tuy nhiên, những đứa trẻ “bất lực bẩm sinh” thường khó phát hiện và không an toàn tuyệt đối nên việc tuyển chọn từ nguồn thứ hai khá phổ biển. Đó là những gia đình sinh con trong hoàn cảnh khó khăn nghèo khổ, tự nguyện cho con làm thái giám sau khi đã trải qua thủ tục loại bỏ bộ phận sinh dục nam. Từ đó, những người bình thường sẽ mang thân phận thái giám đến suốt đời.
Qua vòng tuyển chọn, những thái giám nhí được đưa vào cung để một thái giám có thâm niên dạy các nghi thức khắt khe của cung đình, từ việc đi đứng cho đến cách ăn mặc, bẩm, thưa… Có nhiều đứa trẻ mới lên 7 đã được đưa vào cung học phép tắc thái giám và sống trong cung cấm cho đến già.
Kinh đô ở Huế, có hai loại quan hoạn hay còn gọi là thái giám. Một là bẩm sinh hay còn gọi là giám sinh; hai là “cam chịu” thiến đi, thành thử cũng biến đổi tính nết luôn, gọi là giám lặt. Theo sử cũ, ước lượng ở giai đoạn đầu triều Nguyễn, mỗi thời thường xuyên có khoảng 200 người, cả giám sinh lẫn giám lặt.
Năm 1824, vua Minh Mạng ban chiếu chỉ các hạt (đơn vị hành chính huyện lúc xưa) tuyển chọn “giám sinh” vào cung. Việc này do bộ Lễ thực hiện. Trong tài liệu của Công sứ A. Laborde (Pháp) ghi nhận, dân quê một số vùng vẫn thường bảo nhau bằng câu cửa miệng: “Ăn mà đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ. “Ông Bộ” chính là giám sinh, nghĩa sâu xa là phần hạ bộ có vấn đề.
Nhà mà có “ông Bộ” được cấp ruộng đất và tiền bạc rất hậu hĩnh. Riêng làng nào có “ông Bộ” được triều đình miễn thuế trong nhiều năm. Ông Bộ mà được tiến cung, nghiễm nhiên được hưởng bổng lộc như các quan đại thần nên sống rất sung sướng. Bộ Lễ sẽ chịu trách nhiệm “đào tạo ông Bộ” sho đến 12 tuổi thì đưa vào triều học lễ nghi cung đình.
Về giám lặt, đó là một người nam bình thường. Nhưng họ cam chịu giải phẫu để mất đi “cái quý nhất” trời cho. Hồi xưa, không có phương tiện y tế hiện đại. Người chịu hoạn được cho uống rượu và hút thuốc phiện để giảm đau khi làm việc đó. Ba tháng sau khi vết thương lành, giám lặt được tiến cung.
Công việc của thái giám, vui nhất và mệt nhất có lẽ là lo cho vua ân ái. Thông thường trong cung có tới trăm cung nữ, ái phi chưa từng được gần vua. Người nào gặp may càng có cơ hội được vua thương nhiều. Vì vậy, các cung nữ hay đút lót cho quan thái giám để được đứng đầu danh sách. Vào mỗi đêm, thái giám sẽ thắp lồng đèn đỏ ở chỗ cung nữ được chọn. Đến giờ, họ mang một tấm chăn ấm vào phòng và quấn cô cung nữ đang run rẩy, mắt nhắm nghiền, người không một mảnh vải che thân, vác qua những dãy hành lang dài và điểm dừng là phòng vua ở.
Thái giám sẽ nhẹ nhàng trải tấm chăn có cô cung nữ đang độ xuân thì ấy đặt lên giường và lui ra ngoài chờ. Khi vua ngự, mọi tiếng động lúc to lúc nhỏ đang vang ra trong phòng, thái giám phải ghi chép lại tỷ mỷ bằng cách nghe ngóng, canh giờ ân ái của vua với mỹ nữ để bẩm tâu lại với các quan.
Thời vua Minh Mạng (1820-1841), nhằm tránh tình trang thái giám nổi loạn chuyên quyền trước đó, vua đã ban hẳn một chiếu chỉ riêng dành cho thái giám. Họ chỉ chuyên việc hầu hạ, sai khiến, không được tham dự việc triều chính, không được phẩm hàm quan chức. Ai vi phạm phải trừng trị nặng, không khoan tha…
Từ đó công việc của thái giám chủ yếu để vua sai vặt và quan trọng nhất là làm liên lạc cho vua và các bà vợ trong việc “chăn gối”. Khi vua có ý ngủ với bà vợ nào thì thái giám sẽ nhận lệnh vua đến thông báo cho bà vợ đó. Việc tuy đơn giản nhưng thái giám phải tuyệt đối giữ bí mật để không xảy ra việc đố kỵ giữa các bà vợ.
Hàng đêm, thái giám lặng lẽ đến phòng bà vợ được vua chọn ngủ để hộ tống bà đến cung vua. Trong lúc vua và vợ ân ái, thái giám đứng canh gác. Khi cuộc vui đã tàn, thái giám lại hộ tống vợ vua về cung. Công việc trong đêm được các thái giám làm một cách lặng lẽ và mọi hoạt động trong cung cấm diễn ra bình thường vào sáng sớm hôm sau.
Theo nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan, vào giai đoan đầu triều nhà Nguyễn, mỗi triều đại thường có khoảng 200 thái giám. Con số này tùy thuộc vào sự hưng thịnh của từng triều vua. Thời vua Khải Định, công việc của thái giám có phần bận rộn bởi ông vua này mang tiếng “bất lực”, vua thường giao cho các thái giám chăm sóc 12 bà vợ của mình.
Đêm đến, thay vì đến phòng các bà vợ, vua lại lệnh cho các thái giám và đội nhạc trong cung đến hầu chuyện, chơi đàn cho vua nghe. Ngày ngày, vua có thói quen đi dạo, ngắm cảnh và bao giờ cũng có thái giám đi theo hầu chuyện.
Khi vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, chính thức lên ngôi, việc tuyển thái giám không còn nữa. Các thái giám được tuyển từ những đời vua trước đó sống ở trong cung chỉ lo việc quét dọn sân vườn, chơi cây cảnh chứ không phải lo việc “chăn gối” cho vua.
Khi về già hoặc đau ốm, các thái giám không được ở trong nội cung. Hết thời gian phục vụ, họ nhận lương của triều đình và chuyển ra ngoài hoàng thành, cư trú tại một căn nhà gọi là Cung giám viện. Để chống chọi lại sự cô quạnh, nhiều thái giám đã kết nghĩa anh em hoặc nhận con nuôi. Số khác chọn cách lấy vợ, do mất khả năng sinh con, họ lấy phụ nữ già để bầu bạn những tháng ngày cuối đời. Số ít thái giám. may mắn hơn thì về quê sống với họ hàng.
Nghĩa trang thái giám tại chùa Từ Hiếu
Trong xã hội phong kiến, thái giám không thuộc về một giai cấp nào, gần như suốt đời chỉ ở trong cung cấm. Chính vì thế tên tuổi của thái giám triều Nguyễn ít khi được nhắc đến. Những sách sử viết về thái giám cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó chủ yếu viết bằng tiếng Pháp. Những gì của thái giám triều Nguyễn còn lại cho đến ngày nay chỉ là nghĩa trang tại chùa Từ Hiếu (Thủy Xuân, thành phố Huế).
Sách giới thiệu về chùa Từ Hiếu ghi rõ nguồn gốc thái giám được chôn cất tại đây. Lo lắng sự cô đơn nơi mộ phần khi nằm xuống, dưới thời vua Thiệu Trị (1807-1847), thái giám Châu Phước Năng đã đứng ra quyên tiền trùng tu chùa Từ Hiếu, ngôi chùa cổ cách thành phố Huế chừng 5 km, và chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ. Từ đó, các thái giám đã công đức tại chùa sau khi chết được nhà chùa mai táng và cúng giỗ.
Trong khuôn viên nhà chùa, nghĩa trang thái giám nằm ở phía bên trái, cách chùa khoảng 30 m với diện tích gần 1.000 m2. 23 ngôi mộ được chôn theo 3 hàng, ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám.
Ngoài ngày giỗ chung do chùa Từ Hiếu tổ chức vào rằm tháng 11 hàng năm, khu nghĩa trang này vắng lặng không một bóng người qua lại. Cuộc đời của thái giám khi sống phải chịu thân phận hầu hạ trong bốn bức tường của hoàng cung thì khi “về trời” cũng phải chịu số kiếp cô đơn, lặng lẽ nơi bốn bức tường của nghĩa trang này.
Theo một sư cụ trong chùa, thỉnh thoảng có một vài người họ hàng của thái giám lên nghĩa trang thắp hương. Nhưng họ vội đến rồi lại vội về, mất hút dưới những tán cây. Dường như họ không muốn ai biết mình có bất cứ mối quan hệ nào với thái giám hay nghe ai hỏi về cuộc đời của những con người “sinh ra chẳng được mấy ai chấp nhận”.
Trong cuộc đời người thái giám, có lẽ họ có nhiều nỗ niềm và tâm trạng tuy sống trong nhung lụa của vương triều. Họ không bình thường nhưng tình cảm thì ai cũng có. Họ đã tìm đến nhau và sống cùng nhau sau khi rời bỏ chức vị lúc tuổi xế chiều. Có trường hợp thái giám có tình cảm với thi nữ không được vua sủng ái, mối tình đẹp nhưng không bao giờ có được con. Những mảnh đời thầm lặng và cam chịu! Nhưng nếu không có họ, lịch sử đã không có những câu chuyện hay để hôm nay, kể về họ và nhớ về một thời đã qua trong vàng son cung đình triều Nguyễn xưa kia.
Kinh thành, địa danh và một vài công trình liên quan
Cửa biển Thuận An qua các thời kỳ thay đổi như thế nào ?
Tìm hiểu về hệ thống thành quách ở cố đô Huế
Sông Hương có từ bao giờ ? – Khám Phá Huế
Lăng Cơ Thánh – Vì sao được gọi là lăng Sọ ?
Tên gọi của 13 cửa ra vào Kinh Thành Huế không phải ai cũng biết !
Hoàng thành, Tử Cấm thành và các cung điện
Điện Thái Hòa – Nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của triều Nguyễn
Thế Miếu – Nơi thờ phụng các vua Nguyễn
Hưng Miếu – Nơi thờ thân phụ và thân mẫu vua Gia Long
Cửu đỉnh – Nơi khắc ghi sự giàu có của Tổ Quốc