Tên gọi của 10 cây cầu bắt qua sông Ngự Hà – Huế

Cầu bắt qua sông Ngự Hà

Sông Ngự Hà là dòng sông vừa tự nhiên vừa nhân tạo, chảy bên trong phạm vi Kinh thành Huế. Sông Ngự Hà chia mặt bằng Kinh thành Huế ra làm hai phần theo chiều ngang từ đông sang tây. Muốn đi từ bắc xuống nam hay ngược lại, người ta phải vượt qua sông này bằng những cây cầu.

Sông Ngự Hà được đào, nắn, lấp từ sông Kim Long – một chi lưu phía tả ngạn sông Hương. Sông đóng vài trong quan trọng nhất trong việc thoát nước cho tổng thể Kinh thành Huế. Ngoài ra, sông Ngự Hà còn dùng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí hay vào việc tư của nhà vua và hoàng gia.

Sông được hoàn thành dưới 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng

  • Đời vua Gia Long: Tiến hành tạo sông từ đoạn cầu Khánh Ninh đến cầu Thanh Long – đường Huỳnh Thúc Kháng, nơi sông Ngự Hà thông ra sông Đông Ba để đổ vào sông Hương. Thời này cũng có những cây cầu bằng gỗ bắt qua sông như cầu Ngự Hà (cầu Kho), Đông Thành Thủy Quan (cống Lương Y) và cầu Hàm Tế (là cầu Thanh Long ngày nay).
  • Đời vua Minh Mạng: Tiếp nối công cuộc đào sông Ngự Hà, vua cho đào thêm từ cầu Khánh Ninh thông ra sông Kẻ Vạn ở phía tây Kinh thành. Đồng thời cho xây thêm các cầu mới bằng gạch, đá. Cải tạo các cầu cũ bằng gạch, đá như hiện trạng nhìn thấy bây giờ.
    Cầu bắt qua sông Ngự Hà
    Một đoạn sông Ngự Hà

Đã có 10 cây cầu bắt qua sông Ngự Hà lần lượt từ đông qua tây là: cầu Thanh Long, cầu Đông Thành Thủy Quan, cầu Ngự Hà, cầu Bác Tế, cầu Khánh Ninh, cầu Bình Kiều, cầu Vĩnh Lợi, cầu Tây Thành Thủy Quan, cầu Hoằng Tế, cầu Xe Lửa. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại 8 cây cầu mà thôi.

Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về 10 cây cầu bắt qua sông Ngự Hà này như thời gian xây dựng, tên cầu (tên chính thức và tên dân gian)..

1. Cầu Thanh Long

Cầu nằm ở chỗ sông Ngự Hà tiếp giáp với sông Đông Ba, trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Tên cũ dưới thời Gia Long là Hàm Tế, và đổi thành Thanh Long vào năm 1830 (đời Minh Mạng).

Dưới thời Pháp thuộc, nó được gọi là cầu Mai Phục. Tên gọi này liên quan đến sự kiện thất thủ Kinh đô năm 1885. Đêm 4-7-1885, triều đình đã bố trí một đội quân mai phục ở đây. Đợi khi quân Pháp đang dự tiệc ở tòa Khâm sứ trở về đồn Mang Cá thì đánh úp. Nhưng quân Pháp không về đường này mà lại đi bằng đường thủy nên kế hoạch thất bại.

Có lẽ cầu này bị hư hỏng nặng trong trận bão năm thìn 1904 và sau đó được xây lại bằng bê tông cốt thép như hiện nay.

2. Cầu Đông Thành Thủy Quan

Cầu nằm trên con đường chạy sát mặt đông Kinh thành Huế. Được xây dựng bằng gỗ năm 1808, mang tên Thanh Long Kiều.

Năm 1830, vua Minh Mạng cho thay đổi diện mạo, vật liệu và tên gọi của nó – được đặt tên là Đông Thành Thủy Quan. Hai bên cầu có lan can cao, đặc biệt lan can mặt đông có trổ ra 13 pháo nhãn hình tròn dùng đặt súng đại bác khi hữu sự.

Vì cầu nằm sát xóm Lương Y nên dân chúng vẫn quen gọi là cống Lương Y.

Cầu bắt qua sông Ngự Hà
Cống Lương Y

3. Cầu Ngự Hà

Thường được gọi là cầu Kho (Khố Kiều) – nằm cuối đường Đinh Tiên Hoàng.

Cầu được xây dựng bằng gỗ năm 1808, đặt tên là Thanh Câu.

Năm 1820, vua Minh Mạng cải tạo lại bằng đá và gạch, đặt tên là cầu Ngự Hà.

Khi quân Pháp chiếm đồn Mang Cá lớn (năm 1886, và Trấn Bình Đài – xưa gọi là Mang Cá thì lúc này gọi là Mang Cá nhỏ) họ gọi là cầu Nam vì nó nằm ở phía nam khu nhượng địa.

Từ xưa đến nay, dân chúng quen gọi là cầu Kho vì gần phía nam của nó là khu vực mà triều đình đã thiết lập rất nhiều kho để chứa lương thực, nguyên vật liệu cần thiết cho Kinh đô do các địa phương khác chở về như kho lúa, kho muối, kho tiền, kho kim loại, kho than…Hiện nay vẫn còn vết tích là xóm cầu Kho, nơi có chợ cầu kho.

Cầu bắt qua sông Ngự Hà
Nhà bia trước cầu Ngự Hà
Cầu bắt qua sông Ngự Hà
Cầu Ngự Hà (cầu Kho) nhìn từ trong nhà bia

4. Cầu Bác Tế

Nằm ở đoạn Ngự Hà gấp khúc giữa cầu Kho và cầu Khánh Ninh, cầu Bác Tế được xây dựng vào một thời điểm muộn hơn so với 3 chiếc cầu nói trên và một số cầu khác trên dòng sông này. Nó được làm bằng gỗ vào năm 1841 dưới thời Thiệu Trị – vị vua thứ 3 của triều Nguyễn.

Sau đó 10 năm, vua Tư Đức có bảo Bộ Công cải tiến đoạn cầu treo ấy, nâng cao lên để cho thuyền bè qua lại được thuận tiện hơn. Cầu Bác Tế dài 40,80 m, rộng 2,76 m115.

Ngày xưa, cầu này còn có tên là cầu Kho Tiền có lẽ nó nằm gần kho chứa tiền của triều đình; và cũng được dân chúng địa phương gọi là cầu Son Kho Tiền, vì cầu được sơn màu đỏ.

Cầu Bác Tế đã biến mất từ lâu, có lẽ nó đã bị sụp đổ trong trận bão năm Thìn (1904), rồi triệt giải luôn, hiện nay không còn dấu vết gì trên thực địa.

5. Cầu Khánh Ninh

Khi nói đến việc xây dựng Cung Khánh Ninh ở bờ bắc Ngự Hà vào mùa hè năm 1925, Quốc sử quán đã ghi rằng: “… Bên tả xây cầu đá gọi là cầu Khánh Ninh; ở phía đông bắc dựng nhà bia”. Nội các cho biết cầu Khánh Ninh dài 44,62 m, rộng 4,33 m. Lan can hai bên cao 1,05 m, xây bằng đá thanh và gạch vồ. Dưới cầu trổ một đường thông thủy cũng dạng cửa vòm, rộng 6,40 m.

Từ khoảng năm 1970 đến nay, dân chúng địa phương thường gọi cầu này là cống Hắc Báo vì trong khoảng những năm 1970 – 1975, có một đơn vị quân đội của chế độ cũ là Đại đội Hắc Báo từng trú đóng ở khu vực gần đầu phía bắc của cầu Khánh Ninh, cạnh sân bay Tây Lộc bấy giờ. So với các cầu khác trên Ngự Hà, cầu Khánh Ninh còn tương đối nguyên vẹn nhất.

Cầu bắt qua sông Ngự Hà
Cầu Khánh Ninh nhìn từ đường Trần Văn Kỷ

6. Bình Kiều

Về vị trí của chiếc cầu này, trong khi Hội điển cho biết nó tọa lạc tại phía đông nam của Cung Bảo Định (Bình Kiều tại Bảo Định Cung chi đông nam), thì Đại Nam nhất thống chí nói rõ hơn rằng nó năm trên con đường chạy từ phía hữu Hoàng thành (nay là đường Lê Huân) đến phía tả Cung Bảo Định.

Cung Bảo Định là một biệt cung của vua Thiệu Trị, được xây dựng ở bên phải Cung Khánh Ninh vào năm 1845. Cả hai tài liệu vừa nêu đều cho biết Bình Kiều được làm bằng gỗ, nhưng không ghi thời điểm xây dựng. Cầu này dài 44,62 m, rộng 3,82 m(115). Hiện nay, không còn dấu vết gì về chiếc cầu trên vị trí cũ của nó cả. Nhưng vẫn còn một tấm bia đá đang lưu trữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ghi lại thông tin cây cầu này.

Có lẽ chiếc cầu đã bị hỏng nặng trong cơn bão năm 1904, rồi triệt giải luôn: sau đó, tấm bia được chuyển đến Bảo tàng để lưu lại dấu tích của một chiếc cầu đã xuất hiện rồi biến mất trong lịch sử.

7. Cầu Vĩnh Lợi

Cầu nằm trên con đường lớn (trường nhai) chạy từ cửa Nhà Đồ (Chánh Nam Môn) đến cửa An Hòa (Tây Bắc Môn), nay là đường Nguyễn Trãi.

Mang dạng cầu vồng, cầu được xây dựng bằng đá và gạch vào mùa hè năm 1825.

Cầu được xây dựng vào năm 1825, nhưng đến năm sau (Minh Mạng thứ 7), nó mới được đặt tên chính thức là đó gọi cầu Vĩnh Lợi.

Nhưng từ lâu, nhân dân địa phương chỉ là cống Vĩnh Lợi.

8. Cầu Tây Thành Thủy Quan

Cầu được xây dựng để phục vụ cho việc giao thông đi lại ở con đường vận binh sát bên trong mặt hữu của Kinh thành, nay là đường Tôn Thất Thiệp.

Khi con đường ấy đi qua Tây Thành Thủy Quan, các nhà kiến trúc thời Minh Mạng đã uốn nó sát vào thân thành và nâng hai đầu của đoạn đường ấy lên cao dần, tạo nên một con đường sống trậu ở bên trên cống thông thủy.

Lan can phía tây của cầu tiếp cận dần với mặt trong của thân thành. Ở đoạn giữa của lan can phía động, cao 1,05 m, hiện vẫn còn hai trụ đỡ đòn quay bằng đá thanh dùng để vận hành trong việc đóng mở thủy quan.

Dưới cầu là cống (rộng 6,35 m), tức là đường thông thủy của Ngự Hà, được trổ xuyên thành theo dạng cửa vòm. Thủy quan này không làm cho thân thành bị gián đoạn ra như ở Đông Thành Thủy Quan. Nhìn chung, sự thiết kế kiến trúc của tổng thể cầu cống ở Tây Thành Thủy Quan thật khéo léo. Kiểu cách xây dựng và nghệ thuật tạo dáng ở đây khác hẳn Đông Thành Thủy Quan.

Cầu bắt qua sông Ngự Hà
Tây Thành Thủy Quan

9. Cầu Hoằng Tế

Cầu Hoằng Tế tọa lạc tại đầu quách bên hữu của Kinh thành, ở phía thượng lưu của Tây Thành Thủy Quan, được xây bằng đá.
Cầu nằm ở vị trí có đường Quốc lộ 1A hiện nay chạy qua, nhưng hơi lệch về phía nam so với dòng chảy thẳng của Ngự Hà ra phía Tây Thành Thủy Quan.

Như vua Minh Mạng cho biết trong bài văn bia Ngự chế thứ hai trên đây, cầu Hoằng Tế đã được xây dựng cùng một đợt với cầu Khánh Ninh, cầu Vĩnh Lợi và Tây Thành Thủy Quan vào năm 1825. Nhưng, qua năm 1826, nó mới được nhà vua đặt tên một cách chính thức là Hoằng Tế Kiều

Chắc hẳn bấy giờ nó cũng có dạng một chiếc cầu vồng và phía dưới cầu là một cửa vòm thông thủy lớn. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, khi thiết lập đường quan lộ chạy ngang qua đó, người ta đã cải tạo phần trên của cầu, xây dựng bằng bê-tông và rải nhựa.

Đến năm 1997, khi mở rộng đoạn quốc lộ ở đây, người ta lại cải tạo và nâng cấp chiếc cầu ấy thêm một làn nữa. Ngày nay, đi trên đoạn đường đó, không ai có thể nhận ra hình ảnh của chiếc cầu xưa; và người ta lại gọi tên nó là cầu Thủy Quan.

10. Cầu Xe Lửa

Nếu trong thế kỷ XIX, thành giai ở phía tây Kinh thành nối liền chỉ bởi một chiếc cầu mang tên Hoằng Tế, thì đến khoảng thập niên đầu thế kỷ XX, ở đoạn cuối phía tây của Ngự Hà, có thêm một chiếc cầu khác nữa bắc qua, đó là cầu Xe Lửa, được xây dựng bằng sắt, nằm cách cầu kia khoảng 15 m về phía tây. Nó chỉ dùng cho xe lửa chạy qua, cho nên được gọi bằng tên ấy.

Có lẽ chiếc cầu sắt này đã được xây dựng xong vào năm 1908 hoặc trước đó không lâu, vì đường sắt Huế – Quảng Trị đã hoàn thành vào năm ấy.

Nhìn chung, chiều dài của Ngự Hà chưa đầy 3,5 km mà đã từng có đến 10 chiếc cầu bắc qua sông. Mật độ cầu như vậy là dày. Ngày nay, hai chiếc cầu gỗ là Bác Tế và Bình Kiều đã biến mất, còn lại 8 cầu được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, gồm: 5 cầu bằng gạch và đá (cầu Đông Thành Thủy Quan, cầu Ngự Hà, cầu Khánh Ninh, cầu Vĩnh Lợi, cầu Tây Thành Thủy Quan); 2 cầu bằng bê-tông (cầu Thanh Long, cầu Hoàng Tế); và một cầu bằng sắt (cầu Xe Lửa).

Nhờ có nhiều cầu như thế, chúng đã đáp ứng được yêu cầu giao thông vận tải của nhân dân địa phương cũng như của những người xuôi ngược Bắc – Nam trên tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt xuyên Việt.

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Kinh thành, địa danh và một vài công trình liên quan

Cửa biển Thuận An qua các thời kỳ thay đổi như thế nào ?

Tìm hiểu về hệ thống thành quách ở cố đô Huế

Chợ Đông Ba có từ khi nào ?

Sông Hương có từ bao giờ ? – Khám Phá Huế

Lăng Cơ Thánh – Vì sao được gọi là lăng Sọ ?

Tên gọi của 13 cửa ra vào Kinh Thành Huế không phải ai cũng biết !

Hoàng thành, Tử Cấm thành và các cung điện

Điện Thái Hòa – Nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của triều Nguyễn

Thế Miếu – Nơi thờ phụng các vua Nguyễn

Hưng Miếu – Nơi thờ thân phụ và thân mẫu vua Gia Long

Cửu đỉnh – Nơi khắc ghi sự giàu có của Tổ Quốc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *