Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm cách Hà Nội gần 300 km về hướng Tây Bắc, Mù Cang Chải là điểm đến ưa thích của người thích chụp ảnh thiên nhiên vùng Tây Bắc.
Hàng năm cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng đoàn người đến đây để được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất cả nước. Những bức ảnh để đời của các nhiếp ảnh gia về cái đẹp của vùng Tây Bắc không thể không nhắc đến là thửa ruộng bậc thang vàng óng đậm chất thu. Đây là thời điểm các đoàn du lịch nô nức lên kế hoạch để khám phá các cảnh sắc tuyệt đẹp của Tây Bắc, điểm du lịch đẹp nhất trong mùa này chính là Mù Căng Chải.
Tháng 5-6: mùa đổ nước
Khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa.
Đây cũng là thời điểm bà con bắt đầu xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chính vì thế ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ.
Tháng 9, tháng 10: mùa lúa chín
Cứ đến độ tháng 9, tháng 10 hàng năm, lúa lại chín vàng, nhuộm khắp miền núi Tây Bắc trong sắc màu tươi sáng. Vào lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây.
Vào tháng 9 là mùa gặt Mù Cang Chải, những sườn đồi chỉ toàn màu vàng ươm của lúa chín, lượn vòng theo ruộng bậc thang.
Sang đến tháng 10 khi lúa được gặt hết trơ ra các gốc cây có màu ánh tím trên nền đất nâu tím, đep theo kiểu huyền bí, nhìn qua những bức ảnh các các thợ săn ảnh thì thấy như bức ảnh 3D được chỉnh sửa màu sắc công phu, nhưng khi ta đến nơi thì trao ôi cảm xúc dâng trào “ôi màu sắc đẹp quá, có thật thiên nhiên ban tặng không hay ta đang nằm mộng mị…”
Thực sự là vậy các bạn ah, hãy xách balo lên đi ngay và cảm nhận theo cách riêng của mình.
Các điểm sẽ đi qua khi đến Mù Cang Chải
Thị Trấn Tú Lệ: Được xem là địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Mù Cang Chải, tới đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng bậc thang trải dài màu vàng chen màu xanh tuyệt đẹp. Khi tới đây bạn có thể đi thăm bản Lìm Thái, Lìm Mông cách đó khoảng 3km và ngắm những ngôi nhà sàn hai bên đường.
Đèo Khau Phạ: Là một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền Bắc và là đèo dài nhất với độ cao trên 40km. Trên đèo Khau Phạ thường xuyên có mây bao phủ đến tận trời. Đèo uốn lượng ngoằn ngoèo quanh những dãy núi điệp trùng, xen kẽ giữa rừng đại ngàn.
Không thể không nhắc đến địa danh bên cạnh Mù Cang Chải là Ngọc Chiến – một địa danh đáng sống, 1 thành phố Đà Lạt ở vùng Tây Bắc, nơi đây thích hợp cho các đoàn nghỉ đêm khi đi săn ảnh lúa chín bậc thang tại Mù Cang Chải, từ Đèo Khau Phạ đoàn rẽ tay trái đi thêm 15km nữa là đến Ngọc Chiến rồi. Ngọc Chiến thuộc Sơn La, một xã của huyện Mường Thanh Sơn La, đầy mộng mơ chỉ có hoa tươi và mây trời bay xung quanh các ngọn núi, khi thức dậy cứ ngỡ mình lạc vào cảnh Tiên bồng, thực sự là một kỷ niệm đẹp với bản thân mình.
Ở Ngọc Chiến có rất nhiều homestay vắt vẻo trên sườn núi và trong sâu thẳm thung lũng đầy hoa và mây trời…các khóm hoa tươi mơn mởn được nuôi dưỡng từ nắng gió và sương mù, quanh năm tươi thắm khác hẳn các vùng đồng bằng.
Các địa điểm khách du lịch đến tham quan:
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn: Là nơi có nhiều ruộng bậc thang nhất ở Mù Cang Chải với 700 ha ruộng bậc thang. Với những ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp quả đồi, đặc biệt ở đây có những ruộng mâm xôi vàng rất nổi tiếng và thu hút du khách tham quan, chụp ảnh.
Những bức ảnh ruộng mâm xôi vàng qua các lăng kính nhiếp ảnh gia nổi tiếng, kể đến nhà nhiếp ảnh Hai Pham-HN, mang lại cho chúng ta một cảm xúc lắng đọng về vẻ đẹp thiên nhiên đậm chất thu vùng Tây Bắc.
Bản Lìm Mông: xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải -Yên Bái từ bao đời nay vẫn ẩn mình trong mây. Xưa nay, dân xê dịch vẫn thường rỉ tai nhau tứ đại hiểm địa Tây Bắc bởi độ khó hiểm trở của đường đi và cả bởi đó cũng là nơi… tận cùng, và Lìm Mông là một trong số ấy, đầy hấp lực đầy mời gọi và cũng đầy thách thức.
Thác Pú Nhu: Nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc.
Thác Mơ: nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (Mù Căng Chải, Yên Bái).Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn.
Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.
Bản Thái: Qua chiếc cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng đi Chế Tạo) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái. Một ngôi làng nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi.
Tới đây bạn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái, tắm nước lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức các buổi giao lưu, đốt lửa trại.
Đèo Lũng Lô: mạn phía Yên Bái tiếp giáp Sơn La cũng trong cảnh tương tự như vậy. Con đèo dài 15 km này nằm trên quốc lộ 37, trong thời kì chống Pháp là một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên. Kể từ đó cho đến nay, con đường dần bị rơi vào quên lãng, nhất là khi đèo Khế nối Yên Bái với Sơn La được mở.
Rừng vầu (tre) ở xã Púng Luông ở Mù Cang Chải:
Cách thị trấn Mù Cang Chải chừng 20 km, khu rừng trúc có tuổi đời hơn 60 năm, rộng hơn 1ha.
Càng đi sâu vào rừng, một màu xanh mướt của hàng ngàn cây trúc thẳng tắp, như trong phim kiếm hiệp, thật thú vị và hít hà không khí trong lành của núi rừng.
Thật ấn tượng vẻ đẹp hoang sơ của vùng này, bạn phải đi xe ôm từ ngoài đèo vào khu rừng này.
Các món ẩm thực đặc sản:
Lợn bản: lợn được nuôi ở các bản làng Mù Căng Chải là lợn đen hay còn gọi là lợn cắp nách, người Mông nuôi lợn đen này theo phương pháp thô sơ, hoang dã, lợn được thả rông ngoài vườn hoặc trên các sườn đồi sau nhà, không có chuồng trại, không được chăm sóc, lợn chủ yếu ăn thức ăn sẵn có trong vườn nhà hoặc trên đồi như rau rừng, ngô, khoai, sắn nên thịt săn chắc, thơm và ít mỡ.
Gà đồi: Cũng giống như lợn bản, gà đồi được nuôi thả tự nhiên trên các sườn đồi sau nhà của người dân tộc bản địa, thịt chắc, thơm ngon, không có mỡ, gà khá bé chỉ hơn 1kg/ 1 con, nếu bạn muốn ăn thì nên đặt từ tối hôm trước, chủ nhà bắt gà và nhốt lại, sáng hôm sau chỉ việc làm thịt, nếu đặt muộn thì khó bắt gà vì sáng hôm sau gà được thả rông trên đồi.
Xôi nếp Tú Lệ: Nếu đến Tú Lệ hoặc các vùng khác của Mù Căng Chải dịp lúa chín, bạn tuyệt đối không được bỏ lỡ món xôi nếp, được nấu từ gạo nếp trồng trên những thửa ruộng bậc thang.
Cốm Tú Lệ: Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Nếp này ngâm 1-2 tiếng đồ xôi rất dẻo và thơm, hạt cốm dẻo mềm có màu xanh thẫm.
Nhộng ong rừng: Món nhộng ong xào mùng thơm ngon, bắt mắt phải không quá nát, phải giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy của ong, mùi thơm của gia vị, của lá chanh. Được bày bán đầy ngoài chợ phiên Mù Cang Chải.
Nhộng ong xào mùng không phải mùa nào cũng có, nó chỉ được chế biến vào mùa ong rừng làm tổ và sinh sản (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Vì vậy với người dân nơi đây, món ăn này còn được xem là đặc sản quý hiếm của núi rừng.
Xôi ngũ sắc: là món ăn phổ biến dịp tết hoặc lễ hội của người dân vùng cao Tây Bắc, điểm độc đáo của món xôi này là việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu cho xôi. Để nấu được món này khá cầu kỳ vì thế món này không được bán phổ biến, người chỉ nấu mỗi dịp lễ, nếu bạn muốn ăn món này bạn cần đặt trước để chủ nhà chuẩn bị.
Thịt trâu, lợn gác bếp: là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.
Muồm muỗm, châu chấu rang Mường Lò: Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu.
Măng, rau rừng: Măng sặt thon nhỏ, to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức.
Lịch trình du lịch Mù Cang Chải 3 ngày 2 đêm
Để khám phá hết Mù Căng Chải mùa lúa chín, gợi ý cho bạn lịch trình bên dưới
Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ
– 06h30: Khởi hành đi Nghĩa Lộ.
– 11h30: Ăn trưa tại Nghĩa Lộ
– 14h00: Lên xe đi đèo Khau Phạ dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chụp ảnh tại đèo Khau Phạ – đèo dài nhất trên quốc lộ 32 với độ dài trên 32km và độ cao là 2100m, cùng ngắm bản Lìm Mông, Lìm Thái từ trên cao vào mùa lúa chín nơi được ví như những bức tranh huyền bí của mùa thu. Chụp hình với những ruộng bậc thang đẹp dọc tuyến đi.
– Sau khi dừng chân trên đèo Khau Pạ, bạn tiếp tục đi đến Tú Lệ, dừng chân tham quan chợ Tú Lệ, mua gạo nếp Tú Lệ và ngắm thung lũng Tú Lệ phủ vàng bởi những thửa ruộng bậc thang.đoàn vừa đi vừa chụp ảnh, tham gia bay dù lượn (2tr/1 người bay cùng phi công 15 phút)
– 16h-17h: đi xe tiếp tục đến Ngọc Chiến nghỉ đêm ở đây, nơi đầy chỉ có hoa tươi và mây lững lờ bay như cảnh Tiên bồng.
– 17h30: nhận phòng rồi đi tắm hồ nước khoáng tại homestay.
– 19h00: Ăn tối. Buổi tối tự do nghỉ ngơi
Ngày 2: Tham quan Ngọc Chiến – Mù Căng Chải
– 07h00: Ăn sáng, đi tắm nước suối khoáng nóng. Ăn trưa BBQ tại suối nước khoáng.
– 16h00: Trên đường về lại homestay, tham quan cây tình yêu và cây 1000 tuổi samu (hoặc tham quan nhà máy thủy điện)
-19h00: Ăn tối tại homestay
Ngày 3: Mù Căng Chải – Yên Bái – Hà Nội.
– 06h30: Sáng bạn dậy sớm, ăn sáng, tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn không gian thanh bình của bản làng, sau đó trả phòng khách sạn để lên đường đi Mù Căng Chải chụp ảnh ruộng bậc thang.
– 12h00: Ăn trưa tại Tú Lệ. Thưởng thức xôi nếp và thịt thú rừng tại đây
– 20h00: Về đến Hà Nội. Trên đường về ghé dừng chân nghỉ ngơi các điểm ruộng bậc thang nằm rải rác trên đường đi.
CHI PHÍ CHO CHUYẾN ĐI:
-Tiền phòng homestay (đã bao gồm bữa sáng)
Phòng riêng (có toilet trong phòng, nhà sàn có 2 giường nệm 1,2m): 300k/1 đêm/2 người
Phòng chung (toilet chung, mỗi người 1 nệm, khoảng chung 8-10 người): 100k/1 người/1 đêm
-Suất Ăn: 150k/1 người/1 bữa
-Xe máy: thuê 100k/1 ngày (24 giờ).
****Đi tự túc 3N 2Đ cho 1 người: tổng chi phí 1.8tr (đi từ HN ô tô của nhà, thuê xe máy 1 ngày)