Bài 5: LĂNG DỤC ĐỨC (An Lăng)
>>> Xem thêm: Lăng các vua Triều Nguyễn
Lịch sử xây dựng lăng Dục Đức
Lịch sử xây dựng lăng vua Dục Đức cũng phức tạp như sự khó khăn, rối rắm trong nội bộ triều đình và hoàng gia nhà Nguyễn kể từ khi vua Tự Đức thăng hà vào ngày 19-7-1883. Vì vua Tự Đức không sinh được người con nào để nối ngôi, cho nên cái ngai vàng của nhà Nguyễn trở nên đẫm máu do sự thao túng để nắm giữ quyền hành của một bên là các Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, và một bên là Tòa Khâm sứ Pháp bấy giờ đang ở vào thế thượng phong.
Cái ngai vàng đẫm máu ấy được ba đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc – thừa kế trong vòng 4 tháng, sử gọi là “tứ nguyệt tam vương”. Rồi nó được chuyển qua cho 4 đời vua khác nữa trong một thời gian ngắn: Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái và Duy Tân.
Mặc dù vua Dục Đức (1883), vua Thành Thái (1889 – 1907) và vua Duy Tân (1907 – 1916) là ba thế hệ ông nội, cha và con ruột trong cùng một gia đình thuộc Đệ tứ Chánh hệ của hoàng tộc, nhưng do bối cảnh lịch sử gặp nhiều rắc rối =, cho nên sự kế vị đã bị gián đoạn bởi những đời vua thuộc các hệ khác của dòng họ Nguyễn Phúc.
Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ung Chân, sinh năm 1852; khi lên 2 tuổi, được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và làm Dục Đức Đường (trong Kinh thành) cho ở. Vị hoàng trưởng tử này lấy con gái của đại thần Phan Đình Bình; đến năm 1879, sinh ra Bửu Lân, tức là vua Thành Thái về sau.
Khi vua Tự Đức thăng hà, vị hoàng trưởng từ 32 tuổi ấy lên nối ngôi, nhưng chỉ sau 3 ngày thì bị phế (23-7 1883) và bị quản thúc tại Dục Đức Đường, rồi chuyển qua giam ở Thái Y Viện, và cuối cùng chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên sau 7 ngày không cho ăn uống (6-10-1883); để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái.
Bấy giờ, ở phường An Cựu có một ngôi chùa gọi là Tương Quang Tự vốn do một người bà con bên vợ của vua Dục Đức lập ra vào năm 1871 và đang được một bà cung nhân họ Lê làm trú trì.
Theo các hậu duệ của vua Dục Đức đang sống ở Huế hiện nay nghe kể lại thì hôm vua Dục Đức chết, triều đình không cho thân nhân trong gia đình của vua biết để lo việc tang. Thi hài vị phế đế chỉ được bó sơ sài bằng chiếu, giao cho hai người gánh và một ông Quyền Suất đội đi theo, đưa lên chôn ở đất chùa Tường Quang. Khi gánh đến cồn Phước Quả, vừa vượt qua khỏi cái khe ở đó một đoạn ngắn để hướng về chùa Tường Quang thì cỗ quan tài bằng chiếu bị dứt dây rơi xuống một vũng nước. Một người chạy vào chùa mời bà cung nhân họ Lê ra để xử lý sự việc. Đêm ấy, trời mưa gió lạnh lẽo ướt át vì đang ở vào mùa đông. Khi ra đến đó, họ bàn với nhau rằng có lẽ đây là chỗ “thiên táng” (trời chôn), nơi người chết muốn an giấc ngàn thu. Cho nên, họ lấp đất lại, chôn vua tại chỗ một cách qua loa cho xong việc. Mấy hôm sau, bà vợ chính của vua Dục Đức (bà Từ Minh con gái ông Phan Đình Bình) mới được triều đình cho phép lên thăm mộ chồng và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.
Thời gian trôi qua với các biến động mạnh dưới thời các vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh từ năm 1883 đến năm 1888. Trong một hoàn cảnh oái oăm của lịch sử, người con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngai vàng vào năm 1889 với niên hiệu Thành Thái. Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái liền cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng.
Kiến trúc lăng Dục Đức
Nơi thờ cúng vua Dục Đức thì đã có chùa Tường Quang cách đó chưa đầy 200 m. Năm 1891, triều đình vua Thành Thái còn cho xây dựng một ngôi miếu mới ở phường Thuận Cát gần bên phải Hoàng thành để thờ vua Dục Đức, đặt tên là Tân Miếu (đến năm 1897, đổi tên là Cung Tôn Miếu). Năm 1892, bà Từ Minh Hoàng thái hậu (mẹ vua Thành Thái) xuất tiền ra đúc tượng Phật và mở rộng nhà tăng của ngôi chùa nói trên.
Năm sau, vua Thành Thái cho đổi tên chùa Tường Quang thành chùa Kim Quang và ban cho chùa tấm hoành phi đề 5 chữ “Sắc Tứ Kim Quang Tự” (một số di tích và hiện vật ấy, ngày nay đều còn tại chùa). Từ đó về sau, nhân dân địa phương thường nói câu “Chùa Kim Quang như vàng trong Nội”.
Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (tức tháng 8-1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên điện thờ này, có xây thêm một số nhà cửa phụ thuộc, như Tả, Hữu phối đường, Tả, Hữu tòng viện dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ.
Bấy giờ, chỉ có bà Từ Minh Hoàng thái hậu được ở tại cung Diên Thọ trong Hoàng Thành. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu “song táng”, “càn khôn hiệp đức” như ở làng Thế tổ Cao Hoàng đế và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (tức là lăng Gia Long).
Sau khi vua Thành Thái bị Pháp truất phế và vua Duy Tân lên nối ngôi năm 1907, triều đình cho làm thêm một số tòa nhà (gọi là nhà Tây) gần bên phải khu vực điện Long Ân để cho 20 bà thứ phi của vua Thành Thái ăn ở. Còn bà Hoàng quý phi Nguyễn Gia Thị Anh (con gái của đại thần Nguyễn Thân), mẹ đích của vua Duy Tân, thì ăn ở tại cung Diên Thọ, và bà Nguyễn Thị Định , mẹ đẻ của vua Duy Tân, lại sống tại điện Thọ Ninh gần sau cung Diên Thọ.
Từ năm 1916 khi vua Duy Tân tham gia âm mưu đánh đuổi thực dân Pháp bất thành và bị đày cùng vua Thành Thái qua đảo Réunion, hai bà hoàng ấy cũng phải lên ăn ở tại các ngôi nhà gần điện Long Ân, nhường khu vực cung Diên Thọ lại cho bà Thánh Cung, vợ vua Đồng Khánh, mẹ đích của vua Khải Định vừa mới lên ngôi.
Cuối năm 1945, ngay sau khi vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Âm và nhà vua được thờ chung tại ngôi điện này.
Năm 1947, khi Pháp tái chiếm Huế, quân đội thực dân đến đóng đồn ở khu vực điện Long Ân, xây thêm một số lô cốt ở chung quanh để phòng thủ.
Vua Thành Thái trở về nước năm 1948, nhưng chỉ được ở tại Sài Gòn. Khi nhà vua chết năm 1954, thi hài được đưa về chôn tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng, khoảng giữa điện Long An và chùa Kim Quang. Vua Thành Thái cũng được thờ ở ngôi điện ấy luôn.
Sau hiệp định Genève 1954, thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam. Khu vực điện Long Ân được trả lại cho Hội đồng Tôn Nhơn phủ. Hai năm sau (1956), ngôi điện được tu sửa lại, trở nên khang trang như cũ. Nhưng, các nhà cửa phụ thuộc chung quanh ngôi điện thì tàn tạ dần.
Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng vua Thành Thái. Gần hai bên lăng vua Thành Thái và lăng vua Duy Tân còn có lăng mộ của ba bà vợ vua Thành Thái, là bà Hoàng quý phi Nguyễn Gia Thị Anh, bà Nguyễn Thị Định (mẹ đẻ vua Duy Tân) và bà Khoan phi Hồ Thị Phương. Năm 1994 người ta đã tổ chức lễ cải táng hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm 1980), vợ vua Duy Tân, về chôn gần bên cạnh lăng mộ vị vua yêu nước này.
Ngoài ra, trong khu vực lăng Dục Đức hiện nay còn có 39 lăng mộ các ông hoàng bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ nữa.
Trải qua hơn 100 năm nay, bộ mặt của khu vực lăng Dục Đức đã thay đổi rất nhiều. Trong thời gian 5 năm đầu (1883 – 1888), nó chỉ là một ngôi mộ đất nhỏ bình thường nếu không nói là tầm thường, chẳng được mấy ai hương khói. Nhưng sau đó, trong 18 năm vua Thành Thái trị vì, ngôi mộ đất ấy trở thành khu lăng tẩm to lớn, có đầy đủ quy cách kiến trúc của lăng tẩm một ông vua giống như 4 lăng vua tiền nhiệm.
Theo địa bộ cũ, lăng Dục Đức bấy giờ chiếm một vùng đất rộng 56.144 m, trong đó có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ; chia ra 2 khu vực: lăng và tẩm, nằm cách xa nhau khoảng hơn 50m. Cả hai khu vực kiến trúc đều xây thành bao bọc chung quanh. Lăng quay mặt về hướng tây bắc, dùng một ngọn đồi thấp, thường gọi là cồn Phước Quả, làm tiền án; lấy dòng khe chảy ngang trước mặt làm yếu tố “minh đường” và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm “hậu chẩm”.
Người ta đi vào khu lăng mộ (diện tích 3.445m2) bằng một cửa tam quan khá lớn xây bằng gạch, trên làm mái giả. Ngay sau cửa là Bái đình, không có tượng đá như các lăng khác mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch để trang trí. Kế đó, là một cửa tam quan 3 tầng cũng xây mái giả và các góc đều bổ trụ, các mặt được phân khoản thành từng ô hộc và trang trí cách đắp nổi sành sứ thành nhiều hình ảnh hoa lá rất phong phú.
Trọng địa của lăng mộ nằm ngay sau của tam quan ấy. Ở trung tâm điểm, ngôi nhà Huỳnh Ốc xinh xắn được xây dựng trên một mặt nền hình vuông mỗi cạnh khoảng 8 m. Nhà xây như một phương đình với dạng cổ lầu, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Bờ nóc bờ quyết chắp hình rồng và phụng. Nội thất trang hoàng đơn giản: một cái sập và một cái bàn đều bằng đá thanh xây cố định, dùng để trần thiết lễ vật khi cúng kỵ. Hai bên tòa nhà vuông này là hai ngôi mộ xây bằng đá thanh của vua Dục Đức và bà Từ Minh, nằm đối xứng nhau, được thiết trí theo nguyên tắc nam tả nữ hữu. Những hình ảnh tam sư hý cầu và song phụng đắp nổi ở hai bình phong sau hai ngôi mộ cho thấy rõ hơn về nguyên tắc đó. Đáng lưu ý nhất là trên mặt tấm bình phong xây trước mộ nhà vua, có đắp nổi hai chữ “hở” ghép lại với nhau, đọc thành “song hỷ”; và đối xứng với nó là hình ảnh chữ “thọ” cách điệu thành hình tròn viên mãn được đắp nổi ở tấm bình phong trước ngôi mộ bên kia. Hỷ là vui mừng. Thọ là sống lâu. Ở chỗ chôn người chết mà lại vui mừng và sống lâu, đó không phải là một điều lạ sao? Nó bắt nguồn từ quan niệm “sống gửi thác về” của người Đông phương thuở trước.
Hai bên khu lăng mộ dựng hai cột trụ biểu khá lớn, trên đỉnh chắp hình hoa sen. Và xa xa chung quanh là những trụ cấm được xây từ xưa để làm ranh giới cho khu đất lăng mộ nhà vua.
Về các công trình kiến trúc bên khu tẩm điện với diện tích mặt bằng 6.245 m, sách Đại Nam nhất thống chí thời Duy Tân viết: “Tẩm điện gọi là Long Ân Điện, có nóc chính (3 gian 2 chái) và nóc tiền (5 gian 2 chải) để phụng sự thần ngự, phía tả hữu điện có Phối đường, phía tả hữu sau điện có làm nhà cầu và tả hữu Tòng tiện, thành phía trước dựng môn lầu, xây bình phong, hai bên đều mở cửa nách, ngoài dựng đại thứ, phương gia, ngoài cửa có canh điếm, quan thự, quân xá, bình an, mộc kiều, thủy tỉnh đầy đủ”.
Công trình kiến trúc chính nằm ở trung tâm khu này là điện Long Ân. Đây là một tòa nhà kép làm theo kiểu cung điện đặc biệt của Huế. Đáng lưu ý nhất là 6 bộ vì kèo nóc ở 5 gian nhà trước được kết cấu theo lối “chồng rường – giả thủ”, trang trí mặt hổ phù (tức rồng ngang) với đường nét chạm trổ mềm mại và tinh xảo. Trên mặt các ô hộc ở hệ thống liên ba, người xa đã chạm nổi để thể hiện nhiều đề tài cổ điển như tan sơn, bát bửu, chữ “thọ” cách điệu vv …
Xen kẽ giữa các ô hộc đó là thơ chữ Hán thể hiện theo lối chữ chân và chữ lệ, được khắc chìm và sơn nét chữ bằng màu đỏ. Các hoành, trốn, kèo, đều trang trí hoa lá và chạy đường chỉ viền với nét chạm sâu và sắc cạnh. Tất cả chứng tỏ các nghệ nhân cuối thế kỷ XIX đã đầu tư vào đây khá nhiều trí tuệ và công sức. Có thể nói điện Long Ân là một trong những tòa nhà có giá trị nghệ thuật cao thuộc hệ thống kiến trúc cung đình Huế.
Nhìn chung, chúng ta thấy quá trình xây dựng lăng Dục Đức phản ánh rất rõ giai đoạn lịch sử gay cấn đẩy biến động của triều Nguyễn trong những năm tháng đi vào thời kỳ mạt vận. Nhưng, một điều trớ trêu tốt đẹp của lịch sử để lại là hiện nay trong khu vực lăng Dục Đức còn có lăng mộ của hai vị vua yêu nước: Thành Thái và Duy Tân. Lăng Dục Đức mang quy cách kiến trúc chung của các làng khác, nhưng cũng có một số nét nghệ thuật cá biệt và ý vị riêng của nó, nhất là trên lĩnh vực trang trí. Với giá trị lịch sử và nghệ thuật như vậy, lăng Dục Đức làm phong phú thêm cho sắc thái và chất lượng của quần thể kiến trúc lăng tẩm các vua nhà Nguyễn ở miền núi Ngự sông Hương.
>>> Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế