Lăng Thiệu Trị – Nơi an nghỉ của vị vua tài hoa, hiếu thảo

lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị

Bài 3: LĂNG THIỆU TRỊ (Xương Lăng)

>>> Xem thêm: Tổng hợp các lăng vua Nguyễn

Lịch sử xây dựng lăng Thiệu Trị

Sau khi ở trên ngai vàng 7 năm, vua Thiệu Trị lâm bệnh mất ngày 4-11-1847 giữa lúc mới 41 tuổi. Trong khi hấp hối, nhà vua đã dặn người con trai sắp lên nối ngôi rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cất cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân”.

Vị tiên đế ấy vừa thăng hà thì vua Tự Đức liền bảo các thầy địa trong triều đi coi đất để xây lăng. Họ tìm được địa cuộc tốt tại chân một dãy núi thấp thuộc làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành không xa như hai lăng vua tiền nhiệm. Sau đó, núi ấy được đặt tên là núi Thuận Đạo và lăng ấy được gọi là Xương Lăng.

lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Một phần khuôn viên lăng Thiệu Trị

Vào ngày 11-2-1848, vua Tự Đức sai một võ tướng đại thần trong triều là Vũ Văn Giải, sung chức Đông lý, đứng ra coi sóc công tác xây dựng lăng. Nhà vua dặn cứ 10 ngày một lần ông phải báo cáo về cho vua biết công việc xây lăng đã tiến hành đến đâu. Đồng thời, phải làm theo lời trối trăn của vua cha, vua Tự Đức cũng căn dặn Vũ Văn Giải phải bắt chước cách làm “toại đạo” giống như trên lăng Minh Mạng, còn việc xây dựng các công trình mang tính thờ phụng ở lăng như điện, đình, các, viện… thì phải bắt chước theo quy chế của lăng Gia Long, và tùy theo địa thế tại chỗ để châm chước định liệu mà làm.

Toại đạo, tức là đường hầm đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ, được xây vào ngày 24-3-1848.

Số binh lính và thợ thuyền do triều đình huy động lên đây làm việc rất đông, cho nên, chỉ sau 3 tháng thi công, các công trình kiến trúc chính trong lăng đã làm xong. Trong một bài dụ của vua Tự Đức viết vào tháng 5-1848, có đoạn nói: “Nay mọi việc đã đâu vào đấy, sớm cáo hoàn thành”. Ngày 14-6-1848, tức là 10 ngày trước khi làm lễ an táng vua cha, vua Tự Đức thân hành lên lãng để kiểm tra công việc một lần cuối. Mặc dù vua Thiệu Trị đã dặn là phải làm lăng như thế nào cho “kiệm ước”, không nên “lao phí đến tài lực của binh dân”, và rồi trong bài văn bia ở Xương Lăng, vua Tự Đức đã nhắc lại điều đó và nói thêm rằng “lời vàng ngọc ấy văng vẳng bên tai, con nhỏ này đầu đám trái chí”; nhưng hôm ấy lên xem thấy “công trình có phần phiền phức to lớn”, nhà vua vẫn tỏ ra thỏa mãn.

Sau khi vua Thiệu Trị thăng hà, quan tài nhà vua đã được quàn tại điện Long An trong cung Bảo Định (ở bờ bắc Ngự Hà), mãi đến gần 8 tháng sau mới đưa lên an táng ở lăng.

Riêng tấm bia “Thánh đức thần công” với bài bị ký dài hơn 2.500 chữ do vua Tự Đức viết, thì mãi đến 5 tháng sau, tức là ngày 19-11-1848 mới được dựng.

lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Bi đình – Nơi đặt tấm bia “Thánh đức thần công”

Như vậy, từ ngày bắt đẩu (11-2-1848) đến ngày hoàn tất, lăng Thiệu Trị đã được thi công trong vòng chưa đầy 10 tháng.

Ngoài ra, ở gần lăng Thiệu Trị còn có 3 ngôi lăng mộ khác nữa của những người trong gia đình nhà vua. Nằm chênh chếch ở phía trước là lăng Hiếu Đông của mẹ Vua (bà Hồ Thị Hoa). Gần phía sau bên trái là Xương Thọ Lăng của vợ vua (bà Từ Dũ). Và không xa phía trước bên trái là khu lăng “tảo thương”, trong đó có nhiều ngôi mộ của các con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ (tảo thương nghĩa là chết sớm). Như vậy, nhiều thành viên trong gia đình nhà vua đã được an táng quây quấn bên nhau.

Kiến trúc lăng Thiệu Trị

Vua Tự Đức đã cho xây dựng lăng Thiệu Trị theo mô thức kiến trúc và phần lớn ý đồ do vua cha để lại. Trước thời điểm khởi công xây dựng lăng này, ở Huế chỉ mới có hai lăng Gia Long và Minh Mạng mà thôi. Khi còn tại vị vua Thiệu Trị đã tham khảo nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm của hai vua tiền nhiệm để đưa ra đồ án xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu, nơi mình sẽ an giấc ngàn thu.

Ngày nay, mới nhìn qua, người ta dễ có cảm tưởng lăng Thiệu Trị đơn sơ, nhưng nếu xét kỹ, chúng ta sẽ thấy các nhà kiến trúc bấy giờ đã có một ý thức cao khi thiết kế, xây dựng, và các công trình ở đó không kém phần dồi dào và bề thế.

So với hai lăng Gia Long và Minh Mạng, khu lăng thứ ba này ở tại một địa điểm gần hơn đối với Kinh thành. Về bố cục các công trình kiến trúc trên mặt bằng tổng thể, nếu lăng Minh Mạng đã ghép ba trục của lăng Gia Long lại làm một trục duy nhất, thì lăng Thiệu Trị lại dung hòa hai mô thức trên bằng cách thiết kế thành hai trục: trục lăng nằm bên phải và trục tẩm (khu vực điện thờ) nằm bên trái. Hai trục cách nhau chừng 100 m. Nói cách khác, các nhà kiến trúc lăng Thiệu Trị đã cắt phần giữa của lăng Minh Mạng (điện thờ) đặt riêng ra một bên và nối hai phần trước và sau của lăng ấy lại với nhau làm một. Dĩ nhiên, về các đơn vị công trình kiến trúc riêng lẻ thì có thêm bớt, đổi thay đổi chút, nhưng cách xây Bửu thành, toại đạo, các cầu bằng đá, nghi môn, nghê đồng và mấy cái hồ bán nguyệt thì giống ở lăng Minh Mạng.

lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Khu vực “lăng” trong lăng Thiệu Trị

Lăng Thiệu Trị khác lăng vua cha ở chỗ không xây La thành, nhưng lại giống lăng Gia Long trong việc lợi dụng những dãy núi đồi chung quanh để làm nên một vòng La thành thiên nhiên rộng lớn. Trong vòng La thành bao la hùng vĩ này, lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là cả một vùng đất bằng phẳng với cây cỏ xanh tươi và ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim.

Về phương diện phong thủy, lăng Thiệu Trị ở vào vị thế “sơn chỉ thủy giao”. Lăng quay mặt về hướng tây bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế bấy giờ. Phía trước, cách lăng chừng 1 km, bên phải có đồi Vọng Cảnh, bên trái có núi Ngọc Trản chầu về trước lăng theo vị thế “tả long hữu hổ”. Ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8 km đứng làm “tiền án” cho khu vực lăng, trong khi động Bàu Hồ ở gần hơn lại làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, ngoài ngọn núi Kim Ngọc ở xa xa, người xưa còn đắp một mô đất cao lớn để làm “hậu chẩm” cho lăng. Trong phạm vi lăng tẩm ấy, có ba chiếc hồ bán nguyệt là hồ Điện, hồ Nhuận Trạch và hồ Ngưng Thúy, cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên chảy ra bên phải, giao lưu với nhau bằng những đường cống xây ngầm dưới các lối đi.

Như vậy, ta thấy thiên nhiên và kiến trúc ở lăng Thiệu Trị liên quan với nhau một cách mật thiết.

Trầm mặc mà thanh thoát, lăng Thiệu Trị khiêm tôn ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn dưới bầu trời bao la.

Xét về phương diện trang trí mỹ thuật, các nghệ nhân bấy giờ đã thể hiện nhiều hình ảnh và thơ văn lên trên mặt gỗ và mặt đá ở điện Biểu Đức, Bi đình, Bái đình … bằng những đường nét chạm khắc khá sâu và sắc cạnh để tạo ra được những hình khối nổi rõ.

lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Điện Biểu Đức – Nơi thờ vua và hoàng hậu
lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Bên trong điện Biểu Đức – Nơi thờ vua và hoàng hậu Từ Dũ

Nghệ thuật trang trí bằng men pháp lam cũng được sử dụng nhiều trong lăng này, nhất là tại khu vực điện thờ.

Trong bài “Le tombeau de Thiệu Trị” đăng ở tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH), năm 1939, một nhà nghiên cứu người Pháp là G.Langland đã kết luận rằng: “Lăng Thiệu Trị có thể được xem là một trong những thành tựu độc đáo nhất của nền nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XIX” ( Le tombeau de Thiệu Trị peut être considéré comme une des réalisations les plus originales de l’art annamite du XIXe sįècle).

Tham khảo: LĂNG TẨM HUẾ – Phan Thuận An

Thông tin du lịch lăng Thiệu Trị

Địa chỉ: Thủy Bằng, Hương Thủy, Tp Huế, TT Huế

Giá vé năm 2020: 

  • Người lớn: 150.000đ
  • Trẻ em từ 7 – 12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0.8 – 1.3m: 30.000đ
  • Dưới 7 tuổi hoặc cao dưới 0.8m: miễn phí. Nhớ mang theo giấy tờ

Đường đi: 

  1. Đi theo hướng dẫn của google maps – Vị trí khá rõ ràng, dễ đi
  2. Những bạn không rành dùng Google Maps thì hỏi thăm người dân đường Điện Biên Phủ, chạy hết đường gặp Đàn Nam Giao thì hỏi người dân đường lên lăng Thiệu Trị (ai cũng biết)

Một số hình ảnh lăng Thiệu Trị

lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Cổng vào khu tẩm – Nơi thờ vua và hoàng hậu
lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Bửu thành – Huyền cung – Nơi đặt thi hài nhà vua
lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Trụ biểu – Tượng trưng cho quyền lực của nhà vua
lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Điện Biểu Đức
lăng Thiệu Trị, lăng vua Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị

>>> Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *