Hưng Miếu – Nơi thờ thân phụ và thân mẫu vua Gia Long

Hưng Miếu, Hưng tổ Miếu, du lịch Huế, khám phá Huế, lịch sử Huế

Hưng Miếu là một trong những miếu thờ của hoàng gia nhà Nguyễn ở góc Tây nam của Hoàng thành Huế. Đây là miếu thờ ông Nguyễn Phúc Luân (1733-1765) và Bà Nguyễn Thị Hoàn, thân phụ và thân mẫu của vua Gia Long (1802-1819). Mặc dù ngôi miếu ban đầu (1804) đã được thay thế bằng một tòa nhà cổ khác (1951), nhưng đây cũng là một di tích kiến trúc có giá trị cao.

Ông Nguyễn Phúc Luân là gạch nối huyết thống giữa thời 9 chúa Nguyễn (1558-1775) và thời 13 vua Nguyễn (1802-1945). Là con của chúa thứ 8 Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), nhưng vì quyền thần Trương Phúc Loan làm rối loạn kỷ cương của triều đình bấy giờ, cho nên, ông bị giam vào ngục và qua đời sau khi trở về nhà riêng. Tuy chết năm 32 tuổi, nhưng ông để lại 10 người con, trong đó có Nguyễn Phúc Ánh, về sau lên ngôi với niên hiệu Gia Long.

Hưng miếu qua các thời kỳ

Hưng Miếu đã trải qua ba giai đoạn thay đổi khác nhau về địa điểm xây dựng, về tên gọi và về diện mạo kiến trúc.

1.  Giai đoạn Hoàng Khảo Miếu (1804-1821): Vào năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Hoàng Khảo Miếu (ở vị trí Thế Miếu ngày nay) để thờ thân phụ và thân mẫu của nhà vua.

2. Giai đoạn Hưng Tổ Miếu (1827-1947): Vua Gia Long thăng hà vào đầu năm 1820. Năm sau, vua Minh Mạng cho dời Hoàng Khảo Miếu lùi về phía sau địa điểm cũ ấy khoảng 50m và dùng chỗ này xây dựng Thế Miếu để thờ vua cha. Sau khi dời đến vị trí mới, Hoàng Khảo Miếu được đổi tên là Hưng Tổ Miếu, sử sách thường gọi tắt là Hưng Miếu. Nhưng, ngôi miếu này bị đốt cháy vào tháng 2/1947, chỉ còn lại cái nền.

3. Giai đoạn Hưng Tổ Miếu sau cùng (1951-ngày nay): Vào năm 1951 bà Từ Cung và con là Quốc Trưởng Bảo Đại thương lượng với Hậu Duệ của An Khánh Vương và mua được cái Phủ thờ ông hoàng ấy ở làng Xuân Hòa (vùng Kim Long), cho dời về dựng lại trên nền cũ của Hưng Miếu để tiếp tục thờ ông bà Nguyễn Phúc Luân. An Khánh Vương tên thật là Nguyễn Phúc Quang, con trai thứ 12 của vua Gia Long, sinh năm 1811 và mất năm 1845.

Kiến trúc Hưng Miếu

Dù sao Hưng Miếu từ giai đoạn này cùng tồn tại cho đến hiện nay và là một di tích kiến trúc giá trị nghệ thuật cao.

Với mặt bằng xây dựng 19 x 19,20 m, Hưng Miếu cũng được kiến trúc theo hình thức trùng lương trùng thiềm của các cung điện Huế. Mái lợp ngói âm dương tráng men vàng. Nền cao 0,68m, vỉa xây bó bằng đá Thanh. Bộ giàn trò và các mảng trang trí đồ nội thất đều được làm bằng những loại gỗ quý: lim, sao, kiền kiền, huê mộc.

Chính doanh gồm 3 gian và 2 chái kép, tiền doanh có 5 gian và 2 chái đơn. Mặt trước của mỗi chái đơn là một mảng tường xây để góp phần chịu lực. Giữa mỗi mảng tường này, người ta trang trí hình chữ “thọ” cách điệu.

So với các cung điện khác, 6 vì kèo nóc ở tiền doanh của Hưng Miếu  đã được kết cấu và trang trí độc đáo, đẹp mắt nhất. Các vì kèo đều được trang trí bằng những đường nét chạm trổ cực kỳ tinh xảo và sơn son thếp vàng hết sức lộng lẫy.

Hệ thống liên ba ở nội thất chia làm 4 tầng, mỗi tầng phân khoảng thành các ô hộc và trang trí theo lối nhất thi nhất họa. Thơ khắc nổi, họa cũng chạm nổi với những hình ảnh trong đề tài bát bửu

Hưng Miếu, Hưng tổ Miếu, du lịch Huế, khám phá Huế, lịch sử Huế
Bên trong Hưng Miếu

Sân trước của Hưng Miếu có hình chữ nhật (20×18,45m) được lát gạch Bát tràng. Chính giữa sân là Thần đạo lát bằng đá Thanh. Gần thềm miếu, song song với hàng cột hiên là một dãy đôn bằng đá chạm gồm 6 cái, trên mỗi đôn đặt một cái thống sứ để trồng cây kiểng. Ở góc sân bên phải, có một cái lư bằng sắt để đốt sớ và vàng mã khi cúng tế.

Trong khung viên Hưng Miếu, ở hai bên trái phải còn có hai ngôi nhà Thần Khố (nay đã hỏng) và Thần Trù (đã được trùng tu). Chung quanh khuôn viên trổ nhiều cửa xây mang tên Chương Khánh, Dục Khánh, Trí Tường, Ứng Tường nằm đối xứng nhau từng cặp và cửa lớn nhất ở trước sân là “Miếu Môn”.

Một loại di tích đáng để ý nữa là bên trái khuôn viên hiện nay vẫn còn 2 tấm bia đá được khắc dựng vào những năm 1804 và 1821, trên đó khắc ghi 2 bài văn ngự chế của vua Gia Long và vua Minh Mạng, nói về lịch sử xây dựng Thế Miếu và Hưng Miếu.

Nhìn chung, mặc dù Hưng Miếu đã trải qua những biến thiên của lịch sử và những thay đổi về kiến trúc, nó vẫn là một di tích có giá trị nghệ thuật đặc sắc, nhất là ở phần trang trí nội thất.

Thông tin du lịch Hưng Miếu

Hưng Miếu là điểm tham quan nằm cạnh Thế Miếu, là điểm đến quan trọng trong các tour tham quan Đại Nội Huế. Trong phạm vi này còn có Cửu đỉnh, Hiển Lâm Các

Thời xưa, khuôn viên Thế Miếu và Hưng Miếu là nơi mà nữ giới không được bước chân vào, dù họ là ai.

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *