Nội dung
Lịch sử xây dựng Duyệt Thị Đường
Hát tuồng (cũng có tên là hát bội) là môn nghệ thuật sân khấu được các vua chúa ngày xưa rất ưa thích. Vào thế kỷ XVII, XVIII các quốc khách đến thăm Việt Nam, sau những buổi yến tiệc họ đều được xem hát tuồng. Nhưng mãi đến năm 1826, vua Minh Mạng mới chính thức xây dựng một nhà hát tuồng của quốc gia ngay trong khuôn viên Đại nội Huế, với tên gọi là Duyệt Thị đường. Sách Đại Nam nhất thống Chí cho biết “Duyệt Thị đường ở ngoài tường phía đông điện Quang Minh, xây mặt hướng đông, quy chế vuông vức rất cao rộng”. Ngày xua các bậc vua quan vừa xem hát vừa ẩm thực, vừa chữa bệnh cho nên ở hai bên phía sân truớc có xây thêm sở Thượng thiện (nhà bếp nấu cho vua ăn) và viện Ngự y (lo chữa bệnh cho vua).
Kiến trúc Duyệt Thị Đường
Khi còn chế độ quân chủ, các nhà sử học không được mô tả các cung điện đài các trong Tử cấm thành. Vì thế sách Đại Nam nhất thống chí (tập Kinh sư) chỉ viết sơ lược mấy dòng như trên. Cho đến cuối thế kỷ XIX, nhân lễ sinh nhật thứ 17 của vua Thành Thái, ông Marcel Monnier được vua Thành Thái mời xem hát tuồng trong Duyệt Thị đường. Sau đó Marcel Monnier đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe buổi xem hát ấy trong cuốn Le tour d’Asie (Plon, Paris 1898). Xin trích đoạn ông mô tả sân khấu Duyệt Thị đuờng như sau: “Sân khấu hình chữ nhật, mái cong như mái đình chùa được chống đỡ bởi mấy hàng cột gỗ to lớn, sơn son. Nhà hát được xây dựa lưng vào Hoàng cung – ở đó có cung điện dành cho nhà vua và các bà. Các bà này xem hát ngồi trên một khán đài cao chiếm gần hết phần cuối của nhà hát. Phía trước khán đài của các bà có treo một tấm màn trúc. Xuyên qua cái “bình phong” mềm mại di động đó, các bà thu mình trong một thứ ánh sáng nhờ nhờ, từ đó các bà nhìn ra và không sợ ai nhìn thấy dung nhan các bà. Họ nói chuyện huyên thuyên nhè nhẹ. Xen vào tiếng thỏ thẻ như trong lồng chim ấy là tiếng quạt phành phạch giống như tiếng chim vỗ cánh. Tiếng xào xạc của quần áo lụa, tiếng kim khí của đồ nữ trang chạm nhau, tiếng lanh canh của những sợi dây chuyền vàng, thỉnh thoảng một tiếng cười lại phá lên, tiếng cười của trẻ thơ, tiếng cười sớm được kìm hãm và theo sau là một sự im lặng kéo dài.
Cách trang trí nhà hát thật hài hòa: con rồng Việt Nam có thể hiển thị trên những khung gỗ hoặc bám theo những thân cột. Trần nhà sơn màu xanh lơ (couleur azur), tinh tú với những dấu hiệu của hoàng cung nổi lên.
Đồ gỗ sắp xếp rất tương xứng. Ở chân đài dành cho các bà hoàng hậu và các bà ở hậu cung, ngai vàng đặt trên một bệ đứng riêng của một mình. Ở bên phải và bên trái đặt hai hàng ghế dành cho các vị khách quốc gia, cho các vị trí ở tòa Khâm, cho các vị lãnh đạo quân đội và bộ tham mưu của họ. Xa hơn một chút nữa, ở hai bên sân khấu đặt hai dãy ghế dài trải vải điều sẫm cho các quan trong triều, các vị trí trong hội đồng Nhiếp chính và hội đồng Cơ mật. Tọa vị tại đó là người cuối cùng và đáng kính đại diện cho triều đại Gia Long, ông hoàng Tuy Lý – con thứ 11 của vua Minh Mạng. Bên cạnh ông là cụ Nguyễn Trọng Hợp – đệ tam phụ chính, người thực sự nắm quyền hành pháp.
Tất cả mọi người có chức tước đều mang thẻ bài trước ngực. Đó là một kim khánh đeo với một sợi dây bằng lụa màu đỏ. Y phục bằng gấm được thêu hoa đủ màu sặc sỡ. Cảnh quan được tô điểm thêm bằng bữa cơm chiều dọn trên một cái bàn dài. Có nhiều bánh rất ngon do các bà làm để dành cho vua và các vị khách quý.
Người mặc áo ngắn màu đỏ, đi qua đi lại rất nhẹ nhàng, kiểu di chuyển với đôi bàn chân không. Họ rót rượu mời khách cẩn trọng như các em giúp rót rượu lễ trong nhà thờ.
Sân khấu thực tế không có, không có gì ngăn giữa các giới hạn thực hiện với các diễn viên. Diễn viên di động đồng bộ với khán giả trong khung hình vuông rộng được tổ chức ngay trước ngai vàng và chỗ cho các quan lại. Trang trí theo lối cổ: một bức tường có trổ hai cửa, đi ra bên trái, đi vào bên phải.
Sân khấu như thế, người xem được dự vào thế giới của nghệ thuật ”
Các nhà hát thời Nguyễn
Đời Gia Long có nhà hát gọi là đài Thông Minh trong cung Ninh Thọ dành cho vua và các hoàng hậu, thời Tự Đức có nhà hát ngay trong lăng Tự Đức với tên gọi là Minh Khiêm đường, đời Khải Định sử dụng Cửu Tư đài trong cung An Định. Tất cả các nhà hát nhỏ và chỉ phục vụ cho hoàng gia mà thôi. Riêng Duyệt Thị đường là nhà hát quốc gia lớn nhất. Theo học giả Lelièvre trong bài Le Théatre annamite (France Asie 1931, trang 228) cho rằng Duyệt Thị đường là nhà hát đầu tiên ở nước ta.
Sau năm 1945, Duyệt Thị đường bỏ trống. Sau năm 1954, được chính quyền miền Nam cải tạo cơ sở chính của trường quốc gia Âm nhạc Huế. Trường âm nhạc từ đó tồn tại cho đến những năm gần đây. Hiện nay, bộ Thông tin và truyền thông đã dời trường Âm nhạc qua một vị trí khác ở bên ngoài Hoàng thành, Duyệt Thị đường đang được trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô chỉnh sửa sang để phục hồi lại vai trò của Duyệt Thị đường – một di tích văn hóa trong quần thể di tích Huế.
Hướng dẫn tham quan Duyệt Thị đường
Duyệt Thị đường nằm trên lối ra sau khi tham quan hết các công trình bên trong Đại Nội Huế, nên rất tiện cho du khách tham quan nơi này.
Ngoài tham quan, du khách còn có thể mua vé xem các show diễn ở đây. Trình diễn các vỡ tuồng, nhã nhạc cung đình Huế
Giờ biểu diễn trong nhà hát Duyệt Thị Đường
Sáng: Từ 10h00 – 10h40
Chiều: Từ 15h00 – 15h40
Vé bán phía trước Duyệt Thị đường
Một vài hình ảnh của Duyệt Thị đường
>>>Tham khảo thêm giá vé tham quan di tích Cố đô Huế năm 2020: Giá vé tham quan Huế – quy định miễn giảm
>>> Bài viết liên quan
Kinh thành, địa danh và một vài công trình liên quan
Cửa biển Thuận An qua các thời kỳ thay đổi như thế nào ?
Tìm hiểu về hệ thống thành quách ở cố đô Huế
Sông Hương có từ bao giờ ? – Khám Phá Huế
Lăng Cơ Thánh – Vì sao được gọi là lăng Sọ ?
Tên gọi của 13 cửa ra vào Kinh Thành Huế không phải ai cũng biết !
Hoàng thành, Tử Cấm thành và các cung điện
Điện Thái Hòa – Nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của triều Nguyễn
Thế Miếu – Nơi thờ phụng các vua Nguyễn
Hưng Miếu – Nơi thờ thân phụ và thân mẫu vua Gia Long
Cửu đỉnh – Nơi khắc ghi sự giàu có của Tổ Quốc