Nội dung
Huế từ lâu đã là điểm dừng chân không còn xa lạ với du khách Việt cũng như du khách quốc tế. Hàng năm, Huế đón tiếp gần 5 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Đó là chưa kể những bạn du lịch Huế tự túc mà không đi theo tour của công ty lữ hành.
Thành phố Huế yên bình nơi dòng sông Hương thơ mộng chảy ngang qua, chia thành phố Huế thành 2 bờ, mà người Huế quen gọi là bờ Bắc và bờ Nam. Bờ Bắc gắn liền với Kinh thành Huế cổ kính, là khu dân cư nên cuộc sống có phần yên bình, trầm lặng và cổ kính. Bờ Nam gắn liền với lăng tẩm triều Nguyễn, và là khu mới phát triển nên rất sầm uất, vui nhộn. Phần lớn du khách đến với Huế hiện nay tập trung lưu trú chủ yếu ở bờ Nam. Và hơn 90% khách sạn, nhà nghỉ, homestay cũng tập trung ở bờ Nam mà cụ thể hơn là khu phố Tây, dọc các đường Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão…
Bài viết này chia sẻ cùng các bạn tất tần tật ĂN GÌ, CHƠI CHỖ NÀO VÀ Ở ĐÂU khi du lịch Huế, bằng trải nghiệm và kinh nghiệm của một nhà tổ chức tour du lịch Huế và và cũng là hướng dẫn viên du lịch đang sống và làm việc tại Huế.
1. Du lịch Huế vào thời gian nào ?
Thời tiết Huế nhìn chung rất khắc nghiệt, mùa hè thì rất nóng, kết hợp với cả gió Lào nên thường mang lại cảm giác oi bức khó chịu. Nhiều ngày nhiệt độ lên đến 38 -39 độ. Mùa mưa lạnh thì mưa kéo dài mấy ngày liền, không như các tỉnh phía Bắc, ở Huế cứ có không khí lạnh thì sẽ kèm theo mưa. Tạo nên một kiểu thời tiết rất đặc thù mà không vùng nào có được.
Chính vì thời tiết Huế rất khắc nghiệt, nên nếu bạn có ý định du lịch Huế thì nên cân nhắc để chọn cho mình thời gian thích hợp nhất
- Thời gian đến Huế hợp lý nhất là từ đầu tháng 3 đến hết tháng 5 và đầu tháng 9 đến hết tháng 10. Đây là thời gian thời tiết ở Huế khá mát, không mưa nhiều.
- Tháng 6 đến tháng 8 thời tiết ở Huế rất nóng kèm theo đó là gió Lào thổi nên càng nóng hơn. Đặc biệt, nắng nóng ở Huế rất khó chịu, nhiệt độ 35 độ thì cơ thể sẽ cảm nhận khoảng 37-38 độ. Bạn nào quen với nắng nóng thì có thể đi du lịch Huế vào 3 tháng này nhé. Tháng 6 và tháng 8cũng là giai đoạn cao điểm của du khách Việt đến với Huế vì đây là giai đoạn nghỉ hè nên chi phí du lịch Huế giai đoạn này khá cao.
- Mùa mưa lạnh từ đầu tháng 11 đến hết tháng 2 năm sau, thời gian này là mùa mưa, lụt và lạnh ở Huế. Đặc điểm mưa ở Huế là mưa dầm, nhiều lúc mưa nhỏ nhưng kéo dài cả ngày. Hơn nữa ở Huế hễ trời lạnh thì kéo theo đó là mưa, có bao nhiêu ngày lạnh thì có bấy nhiều ngày mưa. Không như các tỉnh phía Bắc, trời lạnh nhưng vẫn tạnh ráo, có mặt trời. Nên thời gian này ở Huế rất ít du khách Việt đến du lịch. Tuy nhiên đây lại là mùa cao điểm của du khách quốc tế (Đây là mùa cao điểm chung của du khách quốc tế đến Việt Nam – từ tháng 10 đến tháng 2 sang năm)
2. Phương tiện di chuyển khi đi du lịch Huế?
Di chuyển từ các vùng miền đến với Huế
-
Du lịch Huế bằng đường Hàng không
Hiện tại sân bay Phú Bài – Huế đang có 4 hãng hàng không bay đến.
Vietnamairlines có 4 chuyến từ Hồ Chí Minh và 3 chuyến từ Hà Nội đến Huế và ngược lại.
Vietjet Air có 6 chuyến từ Hồ Chí Minh và 1 chuyến từ Hà Nội đến Huế và ngược lại.
Jetstar Pacific có 2 chuyến từ Hồ Chí Minh và 1 chuyến từ Đà Lạt đến Huế và ngược lại.
-
Du lịch Huế bằng đường bộ
Để đến Huế bằng đường bộ thì các bạn có thể đi oto, với các bạn ở gần Huế như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình thì có thể chạy xe máy tới Huế cũng rất dễ dàng
Du lịch Huế từ Hà Nội và các tỉnh lân cận
Một số nhà xe uy tín chạy tuyến HUẾ <--> HÀ NỘI
Xe Minh Mập: 11 Nguyễn Thái Học, Tp Huế – 0234 3855 855 – Xuất bến 17h hàng ngày
699 Giải phóng, Giáp Bát, Hà Nội – 090 534 70 00 – Xuất bến 17h hàng ngày
Giá vé: 400k/chiều
Xe Camel Travel: 62 Chu Văn An, Huế – 0234 3829 456 – xuất bến 17h, 17h30, 18h – Giá vé 400k
459 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội – 024 8585 0555 – xuất bến 17h, 17h30, 19h – Giá vé 400k
Lưu ý: xe Camel Travel lúc ra Hà Nội thì trả khách ở số 20 Tăng Bạt Hổ, đối diện với bia hơi Hải Xồm
Xe Đức Thịnh: Bến xe phía Bắc Huế (17h) – Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội (17h) – 0912224359 – 0906514019, Giá vé 400k
Xe Hoàng Long: ngày có 4 chuyến vào các khung giờ sáng đến tối. Đây là nhà xe có giờ xuất bến rất tiện cho mọi người. Tuy nhiên giá hơi cao so với các nhà xe khác. 400k không bao gồm ăn, 450k bao gồm ăn. SĐT: 0225 3920920 (đây là số trung tâm ở Hải Phòng)
>>>Update: Không nên đi nhà xe này trừ khi buộc phải đi vì Hoàng Long có các chuyến đi vào buổi tối. Giá vé rất cao, nhưng chất lượng thì ngược lại, xe cũ, nhân viên không lịch sự…
Và rất nhiều nhà xe khác như: Phương Trang, Queen, Sinh Cafe, Hưng Thành…
>>> Lưu ý: Phần lớn các xe tuyến HUẾ <--> HÀ NỘI đều xuất bên lúc 17h – 18h. Nếu bạn nào muốn đi trễ thì liên hệ nhà xe Hoàng Long
Du lịch Huế từ Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận
Hiện có rất nhiều nhà xe chạy tuyến Hồ Chí Mình <--> Huế, thường xuất phát ở bến xe Phía Nam Huế và Bến xe Miền Đông, bến xe An Sương, bến xe ở Chế Lan Viên (Hồ Chí Minh). Giá vé vào khoảng 550k- 600k/chiều. Thời gian thì rất linh động, có tất cả các giờ trong ngày.
Một vài nhà xe tiêu biểu:
Xe Hoàng Long: có từ 5 -6 chuyến vào các giờ trong ngày, giá 550k không ăn, 600k bao ăn. SĐT: 0225 3920920
Xe Phương Trang – 15 Nguyễn Thái Học, Tp Huế <--> Bến xe Miền Đông – ĐT: 19006067
Xe Phi Long – Bến xe Phía Nam Huế <--> Bến xe Miền Đông – ĐT: 0234 3823 014
Xe Minh Đức, xe Tâm Minh Phương: Bến xe Phía Nam Huế <--> An Sương và Bến xe Miền Đông- ĐT: 0948765514
Và còn rất nhiều nhà xe khác như Sinh cafe, Nam Lạc, Minh Phương…
Đi lại trong thành phố khi du lịch Huế
>>>Lưu ý: mình lấy điểm mốc TRUNG TÂM là ngã tư đường Hùng Vương và Lê Lợi (Ngay dưới chân cầu Trường Tiền, phía bờ Nam Huế)
Nhận xét chung: việc đi lại trong thành phố Huế khá thuận tiện vì đường rộng, lượng xe rất ít. Tuy nhiên hệ thống giao thông công cộng thì hầu như không có. Nên đi du lịch Huế thì chủ yếu là thuê xe máy, thuê oto (tự lái hay có tài xế), taxi hay mua tour ghép.
- Từ Sân Bay Phú Bài lên Trung tâm thành phố tầm 16 km. Taxi 4 chỗ 180k, 7 chỗ 220k (thương lượng với tài xế, chạy theo đồng hồ sẽ cao hơn).
- Từ Ga Huế: Ga Huế nằm ở trung tâm thành phố nên đi taxi hay xe ôm là tiện nhất (tầm 2 km sẽ đến điểm trung tâm). Nếu thích và hành lý nhẹ nhàng thì cuốc bộ cũng được.
- Bến xe: Huế có 2 bên xe là Bến xe Phía Bắc và Bến xe Phía Nam. Với các bạn ở các tỉnh phía nam của Huế thì xe sẽ vào Bến xe phía Nam, cách trung tâm 3km nên đi taxi hay xe ôm hay đi bộ đều được. Với các bạn ở Phía Bắc của Huế thì xe sẽ vào Bến xe Phía Bắc, cách trung tâm 7km. Có thể đi bus, tuyến Bus chạy về bến xe phía Nam, dừng ở dọc đường. Nhưng thời gian chờ rất lâu, tốt nhất vẫn là taxi hay xe ôm, grab
Hiện nay thì có rất nhiều hãng xe tới Huế sẽ dừng ở văn phòng của họ, không vào bến xe, liên lạc trực tiếp với các nhà xe mình gửi ở trên để biết thông tin điểm dừng của từng nhà xe.
Thuê xe máy ở Huế: giá từ 100k – 180k cho cả xe ga và số. Đặc biệt có cho thuê ½ ngày. Đây là phương tiện mình thấy tiện nhất, có thể đi khắp Huế. Thậm chí có thể chạy tới vườn quốc gia Bạch Mã hay vòng quanh phá Tam Giang
Thuê xe oto ở Huế: không như HCM hay Hà Nội, việc chạy oto ở Huế khá dễ dàng vì đường rộng và lượng phương tiện khá ít. Bạn hoàn toàn có thể di chuyển bằng oto có lái hay tự lái
Xe Bus: Hiện nay các tuyến Bus ở Huế đã phủ gần như các cung đường chính. Thêm vào đó ra việc ra mắt 2 tuyến bus phục vụ khách du lịch tham quan các điểm du lịch chính ở Huế là Sightseeing và Huế city tour bus.
Grab: Ở Huế hiện tại đã có GrabBike cũng như GrabCar, nhưng do nhu cầu chưa cao nên giá vẫn còn cao so với xe ôm và taxi. Ưu điểm là không cần phải trả giá.
Hiện tại thông tin về cho thuê xe trên các trang mạng đã được phổ biến rất nhiều, các bạn có thể tìm hiểu thêm.
3. Các địa điểm du lịch Huế
Du lịch Huế không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử gắn liền với triều đại nhà Nguyễn mà Huế còn rất nhiều danh lam thắng cảnh rất đáng để các bạn khám phá trong chuyến du lịch Huế của mình.
Đi tham quan các địa điểm du lịch Huế
Các địa điểm du lịch Huế nhìn chung cách nhau khá xa, đặc biệt các lăng tẩm của vua Nguyễn đều ở các vùng núi, khá xa so với trung tâm. Do đó, thuận tiện nhất là thuê xe máy. Nếu đi theo nhóm đông người thì có thể thuê oto hay taxi.
Mình sẽ giới thiệu đến các bạn các địa điểm du lịch Huế gắn với lịch sử trước
3.1 Du lịch Huế đến với các di tích lịch sử triều Nguyễn
- Đại Nội: đây là địa danh chắc chắn ai cũng phải ghé một lần trong chuyến du lịch Huế của mình, là điểm đến KHÔNG bao giờ thiếu trong các tour du lịch Huế của các công ty lữ hành cũng như khách du lịch tự túc. Các công trình nên tham quan bên trong Đại Nội Huế:
>>> Cổng Ngọ Môn (1) – Điện Thái Hòa (2) – Đại Cung Môn (3) – Điện Cần Chánh (4) – Điện Kiến Trung (5) – Hiển Lâm Các (6) – Thế Miếu (7) – Hưng Miếu (8) – Cung Diên Thọ (9) – Cung Trường Sanh (10)
Để việc tham quan Đại Nội có ý nghĩa thì nên đọc trước về lịch sử hay có điều kiện thì thuê hướng dẫn viên tại điểm. Ở Đại Nội ngoài hình thức thuê 1 local guide thì có hình thức Audio Guide cũng khá hay và giá rẻ hơn nhiều, tới điểm nào sẽ có mã QR để quét hoặc bấm số, audio sẽ thuyết minh về lịch sử của từng điểm cho bạn. (mỗi điểm đến đều có 1 bảng gắn phía trước, vừa có mã QR vừa có số để bạn chọn thuyết mình). Lúc thuê audio thì họ sẽ hướng dẫn cho bạn sử dụng.
Giá vé năm 2020:
- Người lớn: 200.000đ
- Trẻ em từ 7 – 12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0.8 – 1.3m: 40.000đ
- Dưới 7 tuổi hoặc cao dưới 0.8m: miễn phí. Nhớ mang theo giấy tờ
- Người cao tuổi: Giảm 50%
- Lăng tẩm các vị vua Nguyễn: đây là các điểm cũng không thể thiếu trong các tour du lịch Huế.
Triều Nguyễn có 13 vị vua nhưng vì những lý do lịch sử khác nhau, nên chỉ có 7 khu lăng tẩm. Mỗi lăng lại có kiến trúc khác nhau thể hiện tính cách của từng vị vua cũng như trình độ kiến trúc của thời kỳ mà vị vua đó sống.
Nếu như lăng vua Gia Long là sự đơn giản của kiến trúc kết hợp với phong cảnh hữu tình tạo nên một không gian rất trầm lặng, thì ngược lại lăng Khải Định lại thể hiện phong cách kiến trúc hiện đại, kết hợp kiến trúc giữa phương Tây và phương Đông
Cùng điểm qua một vài lăng tẩm các vị vua Nguyễn nên ghé thăm:
· Lăng vua Gia Long (Còn gọi là Thiên Thọ Lăng): Xét về kiến trúc, lăng Gia Long là lăng có ít công trình, và kiến trúc các công trình khá đơn giản. Tuy nhiên, nếu xét về không gian thiên nhiên thì không lăng tẩm nào sánh được. Tổng thể khu lăng vua Gia Long rộng hơn 2,875 km2, bao gồm nhiều lăng tẩm khác nhau, lăng tọa lạc ở vùng núi Thiên Thọ Sơn, gồm 42 ngọn núi lớn nhỏ chầu về, và tất cả 42 ngọn núi này đều có tên riêng.
Nếu đi oto thì bạn chỉ có thể đi theo đường qua cầu Tuần để đến cầu Hữu Trạch. Sau khi qua cầu Hữu Trạch thay vì bạn đi thẳng tới lăng Gia Long (đường to, rộng nhưng cảnh vật không đẹp) thì với xe 7 chỗ trở xuống bạn hãy rẽ trái. Sau đó men theo đường sông Hữu Trạch rồi men theo sông Tả Trạch cũng đến được với lăng Gia Long, phong cảnh ở đoạn đường này rất đẹp, đáng để đi lắm. Nếu đi theo đường này thì sẽ đi ngang qua đường dẫn đến cầu Phao ở trên.
· Lăng Minh Mạng (còn gọi là Hiếu Lăng): kiến trúc và phong cảnh của lăng Minh mạng đều tuyệt đẹp. Trong các tour đến Huế đều có ghé thăm lăng Minh Mạng. Tuy nhiên cũng như Đại Nội Huế thì hiện tại các công trình phụ của lăng Minh Mạng cũng bị phá hủy rất nhiều, hiện nay chỉ còn lại vết tích của nền móng.
Lăng Minh Mạng – Phía đằng xa là khu mộ nhà vua (Không được phép vào bên trong).
Để đi Lăng Minh Mạng thì bạn chạy qua cầu Tuần, sau đó rẻ trái vào QL49, chạy khoảng 300m để ý bên trái sẽ có lối rẽ vào lăng Minh Mạng (Yên tâm là sẽ nhìn thấy bảng báo chỉ đường cho bạn)
Xét về tổng thể, từ kiến trúc đến không gian, phong cảnh thì có thể nói lăng Minh Mạng là lăng đẹp nhất trong các lăng vua Nguyễn. Và cũng rất tiện đường trong tour du lịch Huế, sau khi thăm lăng Gia Long thì trên đường về sẽ vào lăng Minh Mạng.
Giá vé tham quan năm 2020:
- Người lớn: 150.000đ
- Trẻ em từ 7 – 12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0.8 – 1.3m: 30.000đ
- Dưới 7 tuổi hoặc cao dưới 0.8m: miễn phí. Nhớ mang theo giấy tờ
- Người cao tuổi: Giảm 50%
Lăng vua Khải Định: đây là lăng mà trong các City Tour Huế đều dẫn khách đến tham quan. Lăng Khải Định là sự kết hợp kiến trúc độc đáo giữa phương Tây và phương Đông, thể hiện phong cách của vị vua xa hoa nhất triều Nguyễn.
Đến Lăng vua Khải Định lần đầu, chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng trước độ xa hoa, lộng lẫy của khu lăng mộ này.
Giá vé tham quan năm 2020:
- Người lớn: 150.000đ
- Trẻ em từ 7 – 12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0.8 – 1.3m: 30.000đ
- Dưới 7 tuổi hoặc cao dưới 0.8m: miễn phí. Nhớ mang theo giấy tờ
- Người cao tuổi: Giảm 50%
Lăng vua Tự Đức: Đây có thể nói là khu lăng đẹp nhất, thơ mộng nhất trong 7 khu lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn.
Vua Tự Đức vốn là người rất giỏi thơ ca, nghệ thuật. Có lẽ vì thế mà lăng vua Tự Đức cũng rất thơ mộng với sự kết hợp hài hòa các công trình lăng tẩm với thiên nhiên rộng lớn.
>>>Xem thêm: Lăng Tự Đức – Nơi an nghỉ của vị vua tài hoa
Giá vé tham quan năm 2020:
- Người lớn: 150.000đ
- Trẻ em từ 7 – 12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0.8 – 1.3m: 30.000đ
- Dưới 7 tuổi hoặc cao dưới 0.8m: miễn phí. Nhớ mang theo giấy tờ
- Người cao tuổi: Giảm 50%
Ngoài ra, sau khi tham quan Lăng vua Tự Đức thì bạn không thể bỏ qua điểm CHECK IN đang rất HOT hiện nay, đó là làng nghề làm hương Thủy Xuân (phía bên hông của khu lăng).
Vị trí các lăng của vua Nguyễn khá gần nhau, rất thuận tiện cho du khách khi muốn thăm quan, tìm hiểu lịch sử các lăng tẩm triều Nguyễn trong chuyến du lịch Huế của mình.
Sau khi thăm lăng vua Nguyễn xong thì cùng nhau khám phá các ngôi chùa huyền bí ở Huế
– Viếng chùa ở Huế: Huế là có thể nói là cái nôi của phật giáo nên có rất nhiều ngôi chùa lớn ở đây. Và ở đây còn có chùa Từ Hiếu, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia và hiện tại thì thiền sư đang tu hành tại đây.
Một số ngồi chùa nổi tiếng ở Huế nên ghé thăm khi đi du lịch Huế
· Chùa Linh Mụ: hay còn gọi là chùa Thiên Mụ là ngôi chùa quá nổi tiếng với du khách thập phương. Nếu các bạn tìm hiểu lịch sử thì đây là một ngôi chùa rất huyền bí được xây từ thời chúa Nguyễn Hoàng từ năm 1601. Nó là yếu tố hội tụ cho long mạch và các yếu tố phong thủy của Kinh thành Huế. Chúa Nguyễn Hoàng xây dựng chùa này với mục đích an dân trước khi chuẩn bị dời đô từ đất Quảng Trị vào Phú Xuân. Mình sẽ có bài riêng viết về ngôi chùa linh thiên này để chia sẻ cùng với mọi người
· Chùa Từ Đàm: là ngôi chùa chính của Huế. Các lễ hội phật giáo chính của Huế hiện nay đều tổ chức tại đây
Chùa Từ Hiếu: như đã đề cập, đây là ngôi chùa mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất gia khi ông mới 16 tuổi.
Ở đây còn là khu lăng mộ của các thái giám trong hậu cung nhà Nguyễn
>>> Tham khảo thêm: Thái giám trong hậu cung triều Nguyễn
3.2 Du lịch Huế đến với các danh lam thắng cảnh
Huế không chỉ có các di tích lịch sử mà còn rất nhiều địa điểm với phong cảnh rất đẹp. Sau đây là các địa điểm du lịch Huế không thể bỏ qua khi du lịch Huế
- Vườn quốc gia Bạch Mã: Mình sẽ có bài viết cụ thể về kinh nghiệm du lịch vườn quốc gia Bạch Mã.
Từ trung tâm thành phố Huế lên tới đỉnh Bạch Mã khoảng 60km, các bạn đi theo QL1A hướng vào Đà Nẵng, tới huyện Phú Lộc sẽ có đường rẻ lên vườn quốc gia Bạch Mã. Tuy nhiên, nếu đi xe máy thì bạn không thể chạy xe từ chân núi lên đỉnh núi được mà phải thuê xe trung chuyển của vườn quốc gia Bạch Mã. Giá thuê theo chuyến, tùy vào số lượng người. (4 đến 12 người) có giá từ 500k – 850k.. Nếu bạn đi riêng thì có thể đi ghép xe cùng với đoàn khác.
Nếu đi oto thì có thể chạy lên với điều kiện là quen lái xe vùng đèo
Với các bạn mê phượt thì có thể TREKKING lên đỉnh núi nhé, phong cảnh dọc đường rất đẹp. Từ Barie lên đỉnh Bạch Mã khoảng 19km
Du lịch vườn quốc gia Bạch Mã thì các bạn có thể đi trong ngày hay ở lại đêm.
Mình sẽ có bài chi tiết về du lịch vườn quốc gia Bạch Mã cho các bạn tham khảo
>>> Cập nhật: Hiện tại cơ sở vật chất lưu trú rất xuống cấp, nên mọi người hãy tranh thủ đi sớm và về trong ngày
- Hệ Phá Tam Giang và Đầm Cầu Hai: đây là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Để khám phá hệ sinh thái này thì hiện nay rất ít công ty du lịch có tour trải nghiệm. Nên tốt hơn hết thì các bạn cứ thuê xe máy rồi rong ruổi trên con đường men theo phá, trên đường đi thì có thể ghé vào các làng chài trên phá Tam Giang để xem cuộc sống của ngư dân ở đây
Để trải nghiệm phá Tam Giang thì có rất nhiều đường để đi, các bạn có thể đi theo hướng về huyện Quảng Điền ra bến đò Cồn Tộc, sau đó đi đò qua bến đò Vĩnh Tu (giá vé: Xe máy 15k; người 5k) rồi chạy men theo đường quanh phá để về lại thành phố Huế.
Hay các bạn có thể xuất phát từ thành phố Huế men theo đường quanh phá rồi đến bến đò Vĩnh Tu, sau đó đi ngược với hành trình ở trên nhé. Tức là qua bên đò Cồn Tộc rồi lại ngược về lại thành phố
Hiện tại cũng có một vài công ty du lịch có các tour trải nhiệm đầm phá Tam Giang như chèo thuyền, bắt cá… Tuy nhiên các tour này vẫn chưa được đầu tư đúng mức.
- Tắm biển ở Huế: nhìn chung các bãi biển ở các tỉnh trung trung bộ đều rất đẹp, nước biển rất trong xanh, cát thì trắng xóa, một vài nơi lại có thêm vách đá, đồi núi đâm ra tận bờ biển trông rất đẹp
Thường du khách du lịch Huế sẽ chọn biển Thuận An để tắm, ưu điểm là gần thành phố, cách trung tâm chừng 15km. Biển Thuận An hiện tại có 3 bãi tắm rất rộng và đẹp, phục vụ cả dân địa phương cũng như khách du lịch.
Ngoài ra nếu các bạn có phương tiện đi lại chủ động như xe máy hay thuê oto thì có thể đến một vài bãi biển còn hoang sơ, rất đẹp ở Huế như: biển Hải Dương, biển Phong Hải, biển Vinh Hiền, biển Cảnh Dương (gần vịnh Lăng Cô). Muốn khám phá biển đẹp ở Huế thì tham khảo bài viết bên dưới
>>> Tham khảo thêm: Top 3 bãi biển hoang sơ nhất ở Huế
4. Ăn gì khi du lịch Huế
Huế là cái nôi của văn hóa ẩm thực, và theo nghiên cứu thì Huế có tận 1300 món ăn. Chính vì vậy mà Huế có rất nhiều món ăn ngon, để lại ấn tượng trong lòng du khách khi đến du lịch Huế.
Mình giới thiệu một vài món ngon nổi tiếng của xứ Huế
- Bún bò Huế: nhắc đến món ngon Huế thì chắc chắn đầu tiên phải là bún bò Huế, chính vậy mà khắp các tỉnh thành ở Việt Nam đều có các quán bún bò Huế (mặc dù hương vị không giống cho lắm). Ở Huế thì chắc chắn là sẽ có rất nhiều quán bún bò ngon để mọi người thưởng thức.
Nói là bún bò Huế chứ thật ra quán bún bò Huế đúng nghĩa thì bán một vài loại như bún bò tái, bún gân bò, bún bò giò heo. Kèm thêm với đó là chả cua, chả quết, chả bò…Đặc điểm của bún bò Huế là sợi nhỏ, rau sống thì được lặt nhỏ, rất tươi.
>>> Lưu ý: nếu các bạn vào quán ăn địa phương thì nên dặn chủ quán mình có ăn cay được hay không. Mặc định ở Huế là ăn rất cay. Các quán bán cho khách du lịch thì sẽ không làm cay, ai muốn ăn cay tự cho thêm ớt vào
Một vài địa chỉ ăn bún bò Huế ngon
Điểm danh những quán bún bò Huế lâu năm, đông khách
- Bún hến Huế: ít người biết nhưng các đoàn khách mình dẫn đi ăn đều khen hết lời. Cũng như bún bò Huế, bún hến Huế được bày bán rất nhiều ở Huế, hầu như mọi con đường đều có ít nhất là một quán bún hến. Thường thì các quán bún hến sẽ có thực đơn bao gồm: bún hến, cơm hến (khô và nước), mì hến, hến xào ăn với bánh tráng. Nếu ăn ở cồn Hến thì có thêm món chè bắp
Một số địa chỉ ăn bún hến ngon ở Huế
Ngon nhất là ăn ở dãy quán trong Cồn Hến – Các bạn vào Cồn Hến, sau khi qua cầu thì rẻ trái vào đường Ưng Bình Tổ 19, dọc đường này có khoảng 5 – 6 quán bún hến đều ngon như nhau. Giá từ 8k -10k, chè bắp 5k
Một số quán khác như quán ở đường Hàn Thuyên, Đường Trương Định. Nếu bạn không có phương tiện để đi xa thì có thể ăn ở đường Hàn Mặc Tử, từ khu phố Tây đi bộ tầm 1km, khu này thì quán dành cho khách du lịch. Giá khoảng 10k
- Bún mắm nêm: Ăn để nhớ mùi vị đậm đà xứ Huế – có mùi mắm nêm nồng nàng nhưng ăn rồi sẽ muốn ăn tiếp vì rất ngon. Nếu bạn không quen mùi mắm nêm thì cảm thấy khó ăn vì nặng mùi. Tuy nhiên người Huế thì lại rất thích món bún mắm nêm này. Các bạn đi du lịch Huế thì nhớ thưởng thức để biết hương vị của nó.
Một số quán bún mắm nêm ngon, nổi tiếng ở Huế:
Bún Mắm nêm O Bê: Quán này có 2 cơ sở. Một ở đầu đường Phan Đăng Lưu (giao giữa Phan Đăng Lưu và Trần Hưng Đạo, đối diện bên hông tay phải chợ Đông Ba (đứng mặt nhìn ra chợ nhé)). Quán khác ở 14 Nguyễn Huệ, Tp Huế.
Giá 15k – 20k
Bún mắm nêm Mệ Thẻo: 64 Bà Triệu, Tp Huế
Giá: 15k -20k
Một vài quán ăn dành cho đoàn gia đình, đoàn nhiều người:
Các quán cơm niêu như: Cơm niêu Lửa Việt, cơm niêu Cá Bống, cơm niêu Gia Đình
Các quán cơm Cung Đình như: Tịnh Gia Viên, Huế Xưa, Nhà hàng Cung Đình (03 Nguyễn Sinh Sắc)
Các nhà hàng ngon ở Huế: nhà hàng nổi Sông Hương, nhà hàng Chạn, nhà hàng Hoàng Phú…
5. Địa điểm lưu trú khi du lịch Huế
Huế là thành phố du lịch từ lâu đời nên dịch vụ lưu trú ở đây khá nhiều, từ bình dân đến sang trọng đều có. Từ khách sạn, nhà nghỉ, homestay, airnbn đều có mặt ở Huế. Tuy nhiên đa số chỉ tập trung ở khu phố Tây (nằm ở bờ Nam), có thể nói là hơn 90% khách sạn, homestay, airnbn tập trung ở khu này. Đó cũng là lý do hơn 90% khách du lịch đến Huế cũng ở lại khu phố Tây này.
Nói là phố Tây nhưng không như phố Tây ở Sài Gòn, ở đây có cả khách Việt và Tây cùng ở lại. Hầu hết khách tới du lịch Huế thì chơi buổi tối ở đây, xung quanh khu vực này có đầy đủ quán ăn, cafe, bar…
Giá thì tùy chất lượng và nhu cầu từ 150k đến hơn 2 triệu vẫn có. Giá phổ biến khoảng 300k cho một phòng 2 người là có thể ở được khi du lịch Huế.
Hiện tại mình thấy 2 trang booking và agoda có rất nhiều khách sạn để các bạn chọn lựa, cứ thấy khách sạn nào có nhiều đánh giá tốt, vừa túi tiền của mình thì chọn cái đó. Trừ các dịp lễ lớn như Festival Huế thì mới có tình trạng khan hiếm phòng. Các dịp khác thì bạn cứ yên tâm, luôn có phòng cho bạn lựa chọn.
Nếu các bạn thích hoài cổ thì ở khu kinh thành Huế, nằm ở bờ Bắc, tuy nhiên lưu ý là bên này rất hiếm khách sạn và homestay, chắc được tầm 10 cái. Và sau 21h thì đường phố đã vắng tanh.
6. Đặc sản Huế làm quà khi du lịch Huế
Tất nhiên đi du lịch Huế thì việc mua quà về cho người thân, bạn bè là việc không thể thiếu. Đặc sản Huế thì có rất nhiều loại cho bạn lựa chọn.
Mình liệt kê một vài đặc sản nổi tiếng của Huế
- Nón lá Huế: có 2 loại chính, nón bài thơ và nón lá thường. Nón bài thơ thì chỉ để làm cảnh như chụp hình, treo ở tường nhà vì rất mỏng manh, dễ hỏng. Nón thường là loại người dân Huế vẫn hay đội trong sinh hoạt hàng ngày thay các loại mũ. Nón lá Huế được bày bán khá nhiều ở phía bên trong chợ Đông Ba hay phía trước cửa Ngăn (đường đi vào Đại Nội)
Giá: Nón bài thơ: 40k – 60k/cái
Nón lá Huế thường: 60k – 120k/cái
Nón bài thơ về cơ bản rất dễ làm nên có giá khá rẻ so với nón lá Huế loại thường. Nón lá Huế loại thường được làm rất công phu, mất rất nhiều thời gian. Và cũng có nhìu loại, với chất lượng khác nhau. Một người thợ giỏi thì sẽ làm được 2 chiếc nón lá trong khoảng hơn 1 ngày (chưa tính công đoạn hoàn thiện)
- Mè xửng: đặc sản Huế ai cũng đã từng nghe qua. Ở Huế thì có nhiều thương hiệu mè xửng nổi tiếng. Theo mình thì mè xửng Thiên Hương, Hiền Ký vẫn là ngon nhất. Các loại mè xửng ở Huế bao gồm: mè xửng dẻo, mè xửng giòn, mè xửng mè đen. Có rất nhiều cửa hàng đại lý của mè xửng Thiên Hương ở Huế, hoặc các cửa hàng tạp hóa đều có bán mè xửng
- Tôm chua: người Huế gọi là tôm chua nhưng khách du lịch thì hay gọi là mắm tôm chua. Lưu ý là tôm chua khác với mắm tôm của người Bắc nhé. Ở Huế có rất nhiều chỗ bán tôm chua, lớn và nổi tiếng nhất là tôm chua Cô Ri. Ở đây ngoài tôm chua thì bán rất nhiều loại mắm Huế như: mắm ruốc, mắm nêm, mắm cà…Có cửa hàng to đùng trước chợ Đông Ba, ngay cạnh bãi gửi xe của chợ
- Bánh bột lọc: Bánh bột lọc là món ăn rất nổi tiếng của Huế và một số tỉnh miền Trung nói chung. Bánh bột lọc ở Huế thì cũng như bún bò Huế, rất nhiều hàng quán có bán. Nổi tiếng hơn hết là Bà Đỏ (chuyên phục vụ khách du lịch), O Lé, Mụ Cai…Còn nếu mua bánh bột lọc về làm quà thì hãy lựa chọn Bánh bột lọc Lá quê. Lá quê chuyên sản xuất và phân phối các loại bánh bột lọc đóng túi hút chân không làm quà rất đẹp.
7. Du lịch Huế 1 ngày
Với các bạn chỉ có 1 ngày ở Huế thì nên du lịch Huế 1 ngày như thế nào để chuyến đi của mình được nhiều trải nghiệm thú vị nhất.
Đại Nội – Chùa Thiên Mụ – Lăng Minh Mạng – Lăng Khải Định – Chợ Đông Ba – Nghe Ca Huế trên sông Hương
Chương trình Tour du lịch huế 1 ngày
8h00: Xuất phát lên chùa Linh Mụ
Chùa Linh Mụ (hay còn gọi là chùa Thiên Mụ) được chúa Nguyễn Hoàng xây dựng năm 1601. Đây là ngôi chùa Bắc Tông
Trong chùa hiện nay còn lưu trữ xe oto Austin A95 Westminster của Bồ tát Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản đối phong trào đàn áp phật giáo.
Thứ tự tham quan: Tháp Phước Duyên -> Chính Điện -> xe Austin A95 Westminster -> khu vực phía sau chùa.
9h00: Trở về lại thành phố, vào tham quan Đại Nội Huế
Một số công trình tiêu biểu nên tham quan:
- Ngọ Môn Quan: cổng vào chính ở hướng Nam của Đại Nội Huế
- Điện Thái Hòa: Nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng dưới thời triều Nguyễn như: Lễ đại triều diễn ra vào ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng; lễ đăng quang của nhà vua…
- Hiển Lâm Các: Nơi khắc ghi công đức của 13 vị vua nhà Nguyễn và các vị công thần của nhà Nguyễn
- Thế Miếu: Nơi thờ các vị vua triều Nguyễn – Đây là ngôi công miếu, chỉ vua và các vị quan lại mới được vào, đặc biệt là vào các ngày giỗ vua. Nữ giới tuyệt đối không được vào cho dù họ là ai.
- Cung Diên Thọ: Nơi ở và làm việc của Thái Hậu triều Nguyễn
- Và một vài điểm khác nếu còn thời gian
11h00: Đi ăn trưa
13h30: Xuất phát đi tham quan Lăng Minh Mạng
Vua Minh Mạng phải mất 14 năm (1826 – 1840) để tìm được cuộc đất tốt xây lăng cho mình. Lăng được xây dựng từ tháng 9 – 1940 và hoàn thành vào năm 1941.
Lăng Minh Mạng là hệ thống của nhiều công trình kiến trúc như một hành cung của nhà vua.
15h00: Xe đưa đoàn tham quan lăng Khải Định – Lăng của vị vua thân Pháp, ăn chơi bật nhất trong lịch sử 13 vị vua triều Nguyễn.
Lăng Khải Định tọa lạc trong một không gian khá nhỏ so với các lăng tẩm khác. Tuy nhiên, với kiến trúc độc đáo hiện đại, pha trộn kiến trúc Đông và Tây đã tạo nên một dấu ấn vô cùng đặc sắc đối với nhiều du khách.
16h00: Ghé chợ Đông Ba tham quan và mua đặc sản Huế làm quà.
Đông Ba là chợ lớn nhất của Huế hiện nay. Cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong tỉnh. Cũng như phục vụ cho tham quan du lịch.
17h00: Về nghỉ ngơi hay đi ăn tối
19h00: Ra bên thuyền Tòa Khâm, mua vé ca Huế trên sông Hương
20h00: Dạo phố đi bộ, phố Tây
Thế là các bạn đã hoàn thành tour Huế 1 ngày khá đầy đủ các địa điểm rồi đó. Nếu có thời gian ở lại Huế lâu hơn thì có thể du lịch khám phá Vườn quốc gia Bạch Mã, hay hệ đầm phá Tam Giang
Trên đây là kinh nghiệm du lịch Huế cho bạn nào có ý định du lịch Huế trong thời gian tới. Mình sẽ cập nhật thêm thông tin vào bài viết này nếu có thay đổi gì ở Huế để mọi người chủ động cho chuyến đi của mình.
>>> Tham khảo: Tour ghép tham quan Huế 1 ngày – Hue City Tour
Không như du lịch các thành phố khác của Việt Nam, Huế là thành phố của các di tích lịch sử. Nếu chỉ đơn thuần ghé thăm các di tích mà không tìm hiểu trước kiến thức về lịch sử, văn hóa Huế thì chuyến đi của bạn sẽ còn nhiều thiếu sót. Để chuyến du lịch Huế của bạn có nhiều trải nghiệm thú vị hơn, Lá quê đã đưa vào chuyên mục Khám Phá Huế – Bao gồm tất cả các bài viết về lịch sử và các công trình kiến trúc hiện có của Huế.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm. Share nếu thấy bài viết hay để ủng hộ mình nhé !