Điện Thái Hòa – Nơi diễn ra các nghi lễ trọng đại của triều Nguyễn

Điện Thái Hòa

Được xây dựng cách đây hơn 2 thế kỷ, điện Thái Hòa tọa lạc tại một vị trí trung tâm của hệ thống kiến trúc Hoàng Thành Huế. So với các cung điện khác ở cố đô Triều Nguyễn, điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất xét về nhiều phương diện, đặc biệt là giá trị nghệ thuật.

Vào đầu thế kỷ XIX, khi qui hoạch mặt bằng kiến trúc cung đình tại miền núi Ngự sông Hương, các tác giả của nó đã giao cho tòa nhà này giữ một chức năng thiêng liêng nhất: chỗ đặt ngai vàng. Đây là nơi từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm của triều đại nhà Nguyễn qua 13 vị vua từ Gia Long đến Bảo Đại. Trong thời kỳ lịch sử ấy, có khi chiếc ngai vàng đã trở nên đẫm máu do sự tranh chấp quyền lực trong nội bộ hoàng tộc và triều đình, và chính đây cũng là nơi chứng kiến bao nỗi vinh quang và tủi nhục của cả đất nước…

Điện Thái Hòa
Ngai vàng của nhà vua trong Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa và sân chầu rộng lớn trước mặt nó là nơi tổ chức những lễ triều hội quan trọng nhất, hoặc thường kỳ mỗi tháng 2 lần (ngày mồng 1 và ngày rằm) hoặc bất thường kỳ (như lễ đăng quang, lễ đón tiếp các sứ bộ ngoại giao…). Trong các buổi lễ ấy, vua ngự trên ngai vàng, trong điện chỉ có một số hoàng thân đứng chầu hai bên ngự tọa, còn hàng trăm quan lại thuộc bá tánh đều phải sắp hàng ngoài sân theo thứ tự phẩm trật được ghi ở những tấm bia đá nhỏ (gọi là “phẩm sơn”) cắm hai bên sân và theo nguyên tắc tả văn hữu võ.

Về quá trình xây dựng, trùng tu và nâng cấp ngôi điện này, có thể chia làm 3 giai đoạn chính, tạm gọi là thời Gia Long, thời Minh Mạng và thời Khải Định. Trong mỗi giai đoạn đều có một số thay đổi, cải tiến về kiến trúc và trang trí.

  • Thời Gia Long (1802-1819): Điện Thái Hòa đã được xây dựng từ tháng 2 đến tháng 10-1805. Vua Gia Long đã cho tổ chức lễ đăng quang chính thức của mình ở đây vào năm 1806. Bấy giờ, ngôi điện tọa lạc tại vị trí Đại Cung Môn (cửa chính của Tử Cấm Thành) nằm cách điện Thái Hòa hiện nay khoảng 50m về phía bắc, cũng ở trên trục chính của hệ thống hoàng cung.
  • Thời Minh Mạng (1820-1840): Vào năm 1833, khi nâng cấp một loạt các công trình kiến trúc ở Hoàng thành và Tử Cấm thành, vua Minh Mạng đã cho “dời điện Thái Hòa hơi dé về phía nam, đồ sộ và rộng lớn” (trích Đại Nam Thực lục). Nghĩa là khi dời điện Thái Hòa từ địa điểm cũ đến địa điểm mới, vua Minh Mạng đã cho nâng cấp qui mô của ngôi điện thành ra “đồ sộ và rộng lớn” hơn trước.
  • Đến thời Thành Thái (1889-1907), vào năm 1891, nhà vua cho trùng tu ngôi điện, rồi vào năm 1899, nền diện được lát gạch hoa thay thế gạch Bát Tràng tráng men trước đó.
  • Thời Khải Định (1916-1925): Năm 1923, vua Khải Định cho “đại gia trùng kiến” điện Thái Hòa để chuẩn bị cho cuộc lễ “Tứ tuần Đại khánh tiết” (mừng vua tròn 40 tuổi) cử hành vào năm sau, 1924. Trong đợt tu sửa lớn này, có một số bộ phận kiến trúc của ngôi điện được thay đổi và làm mới. Một là, lắp ráp thêm hai dãy của kính ở mặt trước và mặt sau của ngôi điện. Trước đó chỉ treo sáo để che mà thôi. Hai là, trổ cửa sổ hình tròn lớn, giữa gắn chữ ”thọ” ở mảng tường gạch chịu lực tại hai bên mặt tiền hai chái của ngôi điện. Ba là, làm mới các bửu tán bằng pháp lam và các lớp diềm bằng gỗ chạm lộng thếp vàng, thay cho các bửu tán cũ làm bằng nỉ thêu. Bốn là, tất cả các bộ phận bằng gỗ ở nội thất đều được sơn son thếp vàng lại….
  • Dưới thời Bảo Đại (1926-1945), điện Thái Hòa cũng đã được trùng tu và trong nửa thế kỷ vừa qua, ngôi điện và sân vườn xung quanh được tu bổ, tôn tạo vào các năm 1960, 1970, 1973,1981, 1985, 1992…

Mặc dù điện Thái Hòa đã được sửa sang rất nhiều lần, nhưng cái cốt cách cơ bản của nó, nhất là kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật vẫn được bảo lưu.

Điện Thái Hòa là một trong những tòa cung điện được xây dựng tương đối sớm ở Kinh đô Huế. Nó mang phong cách  kiến trúc chung của cung điện triều Nguyễn. Cái “thức kiến trúc” mới ở đây được gọi là “trùng lương trùng thiềm” khác với kiến trúc của đình chùa miếu vũ ở miền bắc trước đó….Cả hai bộ mái của nhà trước và nhà sau đều lợp ngói ống tráng men trào lưu li. Trên các bờ nóc và bờ quyết trang trí rất nhiều hình rồng. Các con rồng ở đây đều có 5 móng, tượng trưng cho vua. Có thể nói đây là thế giới dành cho rồng bay lượn. Về trang trí cũng như kiến trúc ở điện Thái Hòa, ngoài con số 5, còn có một con số đáng chú ý khác là số 9.

Hai con số 9 và 5 xuất phát từ thiên “Hồng phạm Cửu Trù” trong kinh thư và hào “Cửu ngũ” thuộc quẻ Càn trong Kinh Dịch. Đại để là nói về vương đạo trong việc trị quốc an dân.

Bên cạnh những ngôn ngữ kiến trúc mang tính triết lý như vậy, tòa điện này còn mang đậm ngôn ngữ văn học với 297 ô hộc khắc chạm và đúc nổi thơ văn chữ Hán để dùng để trang trí ở nội thất và ngoại thất của công trình. Kiểu trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” là một trong những nét độc đáo của kiến trúc Huế thế kỷ XIX, không hề thấy có ở kiến trúc ngoài Bắc cũng như kiến trúc bên Trung Quốc.

Chung quanh điện Thái Hòa là cả một hệ thống sân vườn rộng lớn bao la từThái Miếu đến Thế Miếu, và từ hồ Thái Dịch, cầu Trung Đạo đến Đại Cung Môn của Tử Cấm thành. Không gian ngoại cảnh này làm tăng thêm vẻ bề thế, dáng đường bệ và tính hoành tráng của công trình kiến trúc.

Đứng trên một hệ thống sân nền nhiều tầng cao tổng cộng đến 2,40m, điện Thái Hòa chế ngự cả một khu vực rộng rãi quang đãng nhất so với các khu vực cung điện khác trong Hoàng thành và Tử Cấm thành.

Mang trên mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, điện Thái Hòa là tòa cung điện rộng lớn, uy nghi và huy hoàng tráng lệ nhất trong số các cung điện còn bảo tồn được tại Huế, cũng có nghĩa là tại Việt Nam.

Thông tin du lịch Điện Thái Hòa:

Điện Thái Hòa nằm trong phạm vị của Đại Nội, do đó cần mua vé vào Đại Nội thì mới vào được Điện Thái Hòa. Sau khi qua khỏi Ngọ Môn quan (cửa soát vé) thì sẽ thấy ngay ngôi điện nguy nga này.

Lúc vào trong điện thì không được quay phim chụp hình. Ở chính giữa điện là ngai vàng của nhà vua. Phía bên trái hành, khu hậu điện là nơi chiếu phim về lịch sử Huế, có chỗ bán sách về Huế. và đặc biệt phía trước khu này (trung tâm hậu điện) là san bàn thể hiện toàn bộ Kinh Thành Huế, các bạn nên dành vài phút ở đây để hiểu hơn về hệ thống Kinh Thành Huế.

Ra khỏi Điện Thái Hòa là chuẩn bị bước vào Tử Cấm Thành, dấu tích còn lại đầu tiên chính là Đại Cung môn

Nếu quan tâm hơn về lịch sử Huế thì đọc thêm bài bên dưới

Tìm hiểu về hệ thống thành quách ở cố đô Huế

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *