Điện Phụng Tiên – Nơi thờ các vua Nguyễn, dành riêng cho bà con trong dòng họ

Điện Phụng Tiên, dien phung tien. khám phá Huế, du lịch Huế

Nằm ở mé phía tây của Hoàng thành, gần cửa Chương Đức, điện Phụng Tiên là một “biệt miếu” dùng để thờ các vua triều Nguyễn, dành riêng cho bà con quan trọng trong dòng họ Nguyễn Phúc và nhất là nữ giới trong hoàng gia đến cúng bái.
Nguyên vào đầu thời Gia Long, triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng một ngôi điện bằng gỗ ở gần cửa Hiển Nhơn, và đăt tên là điện Hoàng Nhơn (Nhân). Khi vua Gia Long thăng hà, quan tài của nhà vua được quàng tại ngôi điện này suốt hơn ba tháng trước khi cử hành lễ an táng ở lăng. Đến năm 1829, vua Minh Mạng cho đổi tên điện Hoàng Nhân thành điện Phụng Tiên (nghĩa đen là thờ phụng người trước, tức là vua Gia Long), vì đây là nơi thờ vị vua đầu triều Nguyễn kể từ năm 1820. Sau đó 8 năm, vua Minh Mạng cho dời ngôi điện ấy qua gần cửa Chương Đức là địa điểm đã nói ở trên (chỗ hiện nay).

Điện Phụng Tiên, dien phung tien. khám phá Huế, du lịch Huế
Cổng tam quan vào Điện Phụng Tiên

Mặc dù Triều đình đã xây dựng xong Thế Miếu vào năm 1822 dùng để thờ vua Gia Long và các vua Nguyễn kế vị, nhưng điện Phụng Tiên vẫn được duy trì cũng để thờ các vua ấy, vì một lý do đặc biệt. Theo qui định của Triều đình bấy giờ, Thế Miếu là “công miếu”các cuộc tế lễ ở đây đều mang tính quốc gia, là quốc lễ, trong đó chỉ có sự hiện diện của vua, các hoàng thân và đình thần. Còn các thành viên khác trong dòng họ Nguyễn Phúc, đặc biệt là nữ giới đều không được phép tham dự các cuộc tế lễ ở đây. Họ chỉ có thể đến dự các lễ cúng giỗ các vua tại điện Phụng Tiên mà thôi. Về sự chăm sóc hương khói hàng ngày tại hai miếu thờ này cũng đã có sự phân biệt nam nữ. Nếu ở Thế Miếu được giao cho các nhân viên thuộc Ty Từ tế phụ trách thì ở điện Phụng Tiên lại do “các cô phụng trực” đảm nhiệm. Phần lớn những người đàn bà này đều là người trong hoàng tộc. Bị góa bụa hoặc không lập gia đình, họ ăn ở thường xuyên tại những ngôi nhà phụ trong khuôn viên của điện thờ cho đến trọn đời.
Về mặt kiến trúc, điện Phụng Tiên là một tòa nhà kép to lớn, tương đương như Thế Miếu, nhưng có thêm mái lưa ở phía trước. Chính doanh gồm 9 gian 2 chái. Mỗi gian thờ một vua. Tiền doanh có đến 11 gian, nền lát gạch Bát tràng tráng men. Mái điện lợp ngói ống hoàng lưu ly.
Sân trước khá rộng, được lát bằng gạch Bát tràng. Sát hiên trước đặt một hàng đôn bằng đá chạm, trên mỗi đôn là một chậu sứ trồng cây kiểng. Cuối sân có một bể cạn rất lớn, bên trong đắp hòn non bộ mang giá trị cao về nghệ thuật tạo cảnh. Bể cạn bằng đá được xây tựa vào bức bình phong giăng dài phía sau cửa tam quan đồ sộ ở giữa mặt trước của khuôn viên có vòng thành bao quanh.

Điện Phụng Tiên, dien phung tien. khám phá Huế, du lịch Huế
Hoa văn trên cổng tam quan Điện Phụng Tiên sau khi trùng tu (hiện nay)

Ngày xưa, điện Phụng Tiên là một điện thờ nguy nga lộng lẫy, bên trong trưng bày rất nhiều đồ tự khí quí hiếm mà các vua nhà Nguyễn đã dùng lúc sinh thời. Một số chứng nhân người Pháp như Robert R. de la Susse hoặc Philippe Eberhardt đã gọi điện Phụng Tiên là một Bảo tàng (Musee) ở Hoàng cung Huế.
Rất đáng tiếc là cả tòa nhà lẫn các bảo vật ấy đã bị đốt cháy và thất thoát vào tháng 2-1947 (trong chiến dịch Tiêu Thổ kháng chiến).

Từ năm 2017, đã tiến hành trùng tu cổng tam quan, bình phong và non bộ. Tuy nhiên, để trùng tu, khôi phục lại nguyên ven điện Phụng Tiên thì cần phải có sự chung sức của nhiểu phía.

Thông tin du lịch:

Vì hiện tại chỉ có mỗi cổng tam quan, bình phong và non bộ. Nên điện Phụng Tiên hiện tại cũng không có gì đặc sắc cho du khách. Thường du khách chi ghé vào đây lúc có nhiều thời gian, hay đi tắt từ cung Diên Thọ qua khu vực Thế Miếu, Hưng Miếu…

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *