Cửu đỉnh – Nơi khắc ghi sự giàu có của Tổ Quốc

Cửu đỉnh, cuu dinh, du lịch huế, khám phá Huế. lịch sử Huế

Cửu đỉnh là một bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm 9 cái đỉnh to lớn được Bộ Công đúc tại Kinh đô Huế từ cuối năm 1835 đến đầu năm 1837. Trong cuộc lễ khánh thành và an vị ngày 4/3/1837 dưới sự chủ tế của vua Minh Mạng. Cửu đỉnh đã được đặt thành một hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong miếu ấy. Riêng đỉnh tương ứng với gian thờ vua Gia Long thì đặt hơi nhích về phía trước khoảng 3m. Vì vua Minh Mạng cho rằng đó là vị hoàng đế có công khai sáng triều đại.
Ở mặt trước hông các đỉnh đều đúc nổi 2 chữ đại tự mà chữ dưới là chữ “đỉnh”. Chữ trên là tên gọi tắt miếu hiệu của từng vua. Những chữ chỉ tên của các đỉnh là Cao (miếu hiệu của vua Gia Long), Nhân (Minh Mạng), Chương (Thiệu Trị), Anh (Tự Đức), Nghị (Kiến Phúc), Thuần (Đồng Khánh), Tuyên (Khải Định), Dũ, Huyền.

Đáng để ý nhất ở đây là 153 hình ảnh được thể hiện chung quanh hông các đỉnh. Ở mỗi đỉnh, người xưa đã đúc nổi 17 cảnh vật, được phân bổ theo một biểu đồ chung: chia làm 3 hàng ngang, mỗi hàng gồm một chủng loại. Tại mỗi hình ảnh đều có chữ chỉ tên từng cảnh vật.

Bằng kỹ thuật đúc nổi và chạm khắc (làm nguội) tinh vi, các nghệ nhân thời Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự đa dạng của nhiều cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa đỏ, động vật, binh khí, xe thuyền…Nếu ở Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương. Nếu Cao đỉnh có cọp trên rừng thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển. Các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam.
Ngoài tính cung đình, 153 hình ảnh trên Cửu đỉnh còn mang đậm tính dân gian, gắn liền với đời sống của đại đa số người Việt ở chốn thôn trang. Bên cạnh cây gỗ lim, quế, tùng, còn có những cây lương thực và thảo mộc rất phổ biến đối với mọi người, như cây lúa, cây trầu, cây mít, cây hành, cây nghệ, rau tía tô, cây đậu phụng….

Theo một nhà nghiên cứu thì Cửu đỉnh đã “tạo thành một bản tài liệu biểu thị kiến thức bách khoa của các nho sĩ thông thái trong triều đình Huế năm 1836, tài liệu được giữ nguyên vẹn dưới mắt chúng ta, trong khi đó thì những tài liệu khác đã bị tiêu hủy hoặc sai lạc”.(P.Barnouin). Có lẽ chúng ta nhất trí rằng: “Đây là một cuộc triển lãm…xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay, giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước truyền thống biểu hiện tài tình…để ca ngợi Tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp, vững bền” (Huỳnh Hữu Ủy).

Kích thước và trọng lượng các đỉnh không bằng nhau. Đỉnh cao nhất là 2,50m và nặng nhất là 2.061kg (Cao đỉnh). Đỉnh thấp nhất là 2,31m và nhẹ nhất là 1.935kg (Huyền đỉnh). Từng cặp quai trên miệng Cửu đỉnh đều được đúc với các dạng khác nhau: cặp vuông, cặp tròn, cặp xoắn như dây thừng…Ba chân của mỗi đỉnh cũng một khác: có bộ thẳng, có bộ uốn theo kiểu chân quì của sập gụ….Tuy nhiên, nhìn chung thì các đỉnh lại có vẻ giống nhau về hình thức. Khi tạo ra vẻ giống nhau trong tổng thể và khác nhau ít nhiều trong chi tiết như thế, có lẽ tác giả của Cửu Đỉnh muốn biểu hiện những biến tấu riêng trong một chủ đề chung. Nói cách khác, Triều đại Minh Mạng đã muốn nói lên sự phong phú và đa dạng của đất nước và con người Việt Nam trong một giang sơn đã được thống nhất hoàn toàn.

Cửu đỉnh có giá trị về nhiều phương diện: kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật tạo hình, trang trí, trình độ hiểu biết để quản lý tài sản của dân tộc và khẳng định chủ quyền của đất nước trước lịch sử. Động thái cuối cùng này là một ước mơ tốt đẹp và cao cả cuả mọi thời đại. Vua Minh Mạng đã thực hiện được ước mơ ấy trong ngót 20 năm trị vì và giữ vững nền tự chủ của nước Đại Nam.

Tuy nhiên, Cửu đỉnh đã bị tổn thương phần nào vì chiến tranh và kẻ gian. Quan sát kỹ, chúng ta thấy trên bộ bảo vật thiêng liêng này của triều Nguyễn, có đến hàng chục vết thương lớn nhỏ khác nhau do những mảnh bom rơi đạn lạc gây ra. Đáng xót xa hơn nữa là vào khoảng năm 1977, trong thời hòa bình, một nhóm người bất lương nào đó đã bí mật cưa gần đứt một đoạn quai dài chừng vài dm ở Thuần đỉnh. Một đầu của đoạn quai ấy đã bị cưa đứt hẳn. Ở đầu kia, khi cưa chỉ còn vài cm thì chúng mới dừng tay vì thấy đây không phải là đồng đen như chúng tưởng. Do đó, đoạn quai bị cưa vẫn còn giữ nguyên vị trí cũ. Sau đó một thời gian khá dài, cơ quan chủ quản mới dùng một loại keo đen như dầu rái để trám các vết cưa. Nhưng hiện nay, nếu nhìn tinh mắt, người ta vẫn có thể thấy được dấu vết của các nhát cưa tại đó.

Dù sao, với giá trị to lớn của Cửu đỉnh về lịch sử và văn hóa, bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng này đã được Nhà nước công nhận là “Bảo vật Quốc gia” vào năm 2012, cùng một lượt với Cửu vị thần công.

Thông tin du lịch Cửu đỉnh

Cửu đỉnh nằm trong phạm vi sân Thế Miếu, sát lưng với Hiển Lâm Các. Phần lớn các tour tham quan Đại Nội đều dẫn khách vào đây.

Tham khảo: Phan Thuận An – HUẾ – Kinh Thành và Cung Điện

Mời các bạn ghé đọc chuỗi bài viết trong chuyên mục KHÁM PHÁ HUẾ của Lá Quê để tìm hiểu thêm về lịch sử Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *